Dừa được trồng nhiều ở miền Nam và miền Trung nước ta. Nước dừa giải khát, cùi dừa và nước dừa có trong nhiều món ăn. Dầu dừa là mặt hàng thủ công nghiệp, dược phẩm, thực phẩm... Quả dừa không chỉ là nguồn cung cấp muối khoáng dồi dào mà còn là vị thuốc phòng trị nhiều bệnh.
Theo Đông y, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu. Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu. Trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc... Có thể uống nước dừa tươi hoặc đun sôi.
Sau đây là một số món ăn thuốc có dừa:
Nước dừa: Dừa nước 1 quả lấy cả nước và cùi non, uống liền hoặc để lạnh, ngày 3 lần. Dùng tốt cho người bị sốt nóng, say nắng, khát nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...
Nước dừa đường muối: Nước dừa 1 cốc 250ml, thêm 15g đường trắng, chút muối khuấy đều, uống. Dùng cho người suy nhược, mất nước sau mất máu, tiêu lỏng và thổ tả.
Dừa nước trị giun đũa, giun kim: Dừa nước 1 trái, uống nước ăn cùi dừa thay bữa sáng.
Cháo nếp dừa: Cùi dừa nửa quả, thái lát; gạo nếp vừa đủ đem nấu cháo. Ngày ăn 2 lần. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn kém, táo bón sau khi mắc bệnh lâu ngày.
Chữa đau dạ dày: Nước dừa già 200ml, hạt bí ngô 150g. Đun nhỏ lửa cho cạn rồi ăn.
Trị ghẻ lở, nấm, nứt nẻ: Dầu dừa đông đặc ở nhiệt độ khoảng 15-18 độ C và ở thể lỏng ở 22-27 độ C. Bôi ngoài da.
Khô dầu dừa (cùi dừa đã ép dầu) làm thức ăn cho lợn, trâu bò rất tốt.
Lưu ý: Người bị tiêu chảy không ăn nhiều cùi dừa.
Thùy Linh