Sáng 20/9, công trình nghệ thuật thư pháp mạ vàng gắn trên khung gỗ quý tự nhiên “Chiếu dời đô” đã được công bố với báo chí. Cùng ngày, phiên bản của công trình đã được trao cho lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Công trình đạt kích thước và trọng lượng khổng lồ này gồm 2 mặt: Mặt trước trình bày nguyên bản chữ Hán “Chiếu dời đô”, mặt sau là bản dịch phiên âm và bản dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh của tác phẩm này.

Phần khung của tác phẩm được làm bằng gỗ tự nhiên, phần chữ được các nghệ nhân gò tay với chất liệu đồng, mạ vàng 9999. Chiều cao mỗi chữ là 10cm, được gắn bằng bulông nghệ thuật bắt chắc chắn trên 12 tấm gỗ hương tự nhiên quý hiếm của Việt Nam. Đặc biệt, phần nền này được tạo thành bằng 12 tấm gỗ hương, tượng trưng cho 12 tháng của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, với mong muốn tác phẩm sẽ “thuận” theo sự tuần hoàn của thời gian.

Tính đến thời điểm tháng 9/2010, tác phẩm “Chiếu dời đô” được xem là tác phẩm thư pháp mạ vàng trên nền gỗ quý tự nhiên duy nhất, có trọng lượng và kích thước lớn nhất từ trước đến nay.

Sau khi về Hoa Lư làm lễ vào sáng 1/10, công trình sẽ được rước ra Hà Nội (thực hiện hành trình mô phỏng chuyến dời đô của vua tôi nhà Lý từ cố đô Hoa Lư về Thăng Long) để sáng mùng 2/10 ra mắt tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Trong các ngày từ 4 - 10/10 “Chiếu dời đô” này sẽ được trưng bày tại Văn Miếu trong Triển lãm thư pháp. Thành phố Hà Nội sẽ tìm vị trí thích hợp, tương xứng để trưng bày lâu dài tác phẩm này.

Được biết, công trình được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. Phần thiết kế mẫu công trình do nhà điêu khắc - hoạ sĩ Trần Tuy và Nghệ Nhân trạm khắc Vũ Quý - Đồng Kỵ thực hiện. Phần viết chữ Hán được thực hiện bởi Lương y, Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách. Phần gò đồng chữ Hán do nghệ nhân Thế Long, người làng gò đồng Đại Bái huyện Gia Bình, thành phố Bắc Ninh thực hiện. Phần khung và bệ gỗ được các nghệ nhân, thợ bậc cao của Đồng Kỵ - Từ Sơn - Bắc Ninh thiết kế và thể hiện.

Quỳnh Anh (TH)