Từ ngài Thống tướng Mie-sô Phia, Phó tư lệnh Lục quân, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia; đến ngài Đại tướng Điêng Sa Run, Tư lệnh Lực lượng Cảnh vệ, các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ và nhân dân trong vùng đều hiểu rất rõ người, cũng như con đường mà họ từng đi hàng ngày mang tên Phạm Đức Quảng.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Tiên Lãng (Hải Phòng), ngày 14-6-1983, anh Quảng đã cùng 175 bạn cùng trang lứa lên đường nhập ngũ và đi làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Cam-pu-chia. Gần 8 năm gắn bó, kề vai sát cánh cùng với nhân dân và quân đội nước bạn chiến đấu, tiêu diệt bọn diệt chủng Khơ-me đỏ, Phạm Đức Quảng đã để lại một phần xương máu trên đất nước bạn. Anh thương binh Phạm Đức Quảng trở về quê hương, với thương tật 3/4.
Trở về đời thường ở vùng quê nghèo, vật lộn với bao khó khăn, nhưng người thương binh Phạm Đức Quảng vẫn nuôi chí lớn: Phải cùng với bạn bè đồng ngũ, và tìm tới những người bạn cùng quê hương đã thành đạt để chung lưng, chung sức xây dựng những mô hình phát triển kinh tế, quyết vượt qua nghèo khó.
Rồi cơ hội cũng đã tới với anh và bạn bè sau nhiều năm ấp ủ. Trên thương trường, CCB Phạm Đức Quảng đã gặp may mắn và thành công. Bắt đầu từ năm 2007, Công ty Nam Trường Sơn được anh sáng lập và quản lý, với chức danh hoạt động trên các lĩnh vực: thương mại, dịch vụ và đđịa ốc, đồng thời làm nhiệm vụ an ninh quốc phòng, xây dựng khu đô thị mới, trên các khu vực biên giới và xây dựng các công trình quốc phòng, các công trình nước sạch phục vụ dân sinh.
Công ty Nam Trường Sơn ngày càng phát triển, CCB Phạm Đức Quảng đã có điều kiện thực hiện những ước mơ đã ấp ủ từ lâu: Làm việc nghĩa, việc thiện. Anh vẫn thướng nói: “Trước đây, mình cùng đồng chí, đồng đội chung một chiến hào, sống chết có nhau, chia nhau từng vắt cơm, hạt muối, nay đất nước đã hòa bình, độc lập, nhưng còn rất nhiều người không có cuộc sống may mắn, họ còn gặp khó khăn, mình phải chia sẻ”. Nghĩ về đồâng đội, CCB Phạm Đức Quảng cũng nghĩ tới những người dân đã từng cưu mang bộ đội, chung lưng đấu cật trong lúc chiến đấu, trong lúc khó khăn, nên anh đã xây dựng ra các quỹ “Nghĩa tình quê hương”, “Quỹ tương thân tương ái”, tham gia tài trợ cho các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Hỗ trợ học bổng cho con em CCB nghèo” và hỗ trợ cho các chương trình xây dựng trạm xá, bệnh viện, trường học, đồng thời tổ chức hàng chục chuyến đi hỗ trợ cho đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng.
Cùng với hoạt động nghĩa tình trên khắp đất nước Việt Nam, CCB Phạm Đức Quảng đã dành tình cảm đặc biệt đối với nhân dân và quân đội anh em Cam-pu-chia. Anh tâm sự: “Những năm sống và chiến trên chiến trường nước bạn, có những lúc tính mạng mình treo trên sợi tóc, nếu không có nhân dân Cam-pu-chia che chở, không có quân đội bạn hỗ trợ, thì mình đã không còn được sống đến ngày hôm nay. Vì vậy, nếu có điều kiện trả ơn, đáp nghĩa cho bạn, cũng không biết bao nhiêu cho vừa”.
Những chuyến thăm Bộ tư lệnh Cảnh vệ ngài Thủ tướng Săm đéc Hun-sen, Bộ tư lệnh Lục quân, Quân khu 4- Quân đội Hoàng Gia và hỗ trợ cho dân nghèo vùng Biển Hồ và nhiều địa phương khác trên đất nước Cam-pu-chia, đã được CCB Phạm Đức Quảng đưa vào chương trình hoạt động hàng năm, với nguồn kinh phí cho mỗi chuyến đi lên tới hàng chục tỷ đồng.
Với tấm lòng và ý chí hoạt động không biết mệt mỏi, vì nghĩa tình đối với nhân dân và Quân đội Cam-pu-chia anh em, CCB, thương binh Phạm Đức Quảng, người sĩ quan biên phòng năm xưa đã được Hoàng gia và Chính phủ Cam-pu-chia trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, được Hoàng thân Sihanarit tặng Huân chương Hữu nghị Hoàng gia, được Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia cho đặt tên một con đường mang tên Phạm Đức Quảng tại Thủ phủ Kaldal, bên cạnh Bộ tư lệnh Cảnh vệ ngài Thủ tướng Săm-đéc Hun-sen.
Bài và ảnh: Quang Hữu