Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị và Tổng thống Mỹ - Joe Biden.
Tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị có chuyến công du tới Washington D.C, trở thành quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc thăm Mỹ trong vòng 5 năm qua. Nhiều thông điệp trong các cuộc tiếp xúc cấp cao trong chuyến thăm này đã được cả Bắc Kinh và Washington đưa ra, nhưng đáng lưu ý nhất có lẽ là phát biểu của ông Vương Nghị cho rằng: Con đường tới San Francisco "không bằng phẳng và không phải nghiễm nhiên".
San Francisco được nhắc tới nhiều trong thời gian này bởi có nhiều đồn đoán cho rằng Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình có thể sẽ gặp Tổng thống Mỹ - Joe Biden bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11-2023 tại San Francisco. Bởi thế, trong chuyến thăm Mỹ lần này, Ngoại trưởng Vương Nghị đã hội đàm với người đồng cấp Mỹ - Antony Blinken, gặp Tổng thống Joe Biden và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan.
Dù thế giới hiện nay đang phải chứng kiến hàng loạt cuộc xung đột ở nhiều khu vực nhưng quan hệ Trung - Mỹ được coi là yếu tố quan trọng đối với an ninh toàn cầu. Có thể thấy, dù Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh toàn diện và quyết liệt trên nhiều lĩnh vực nhưng việc hai bên kiềm chế và có phần “nể nhau” đã giúp cấu trúc an ninh và kinh tế nói chung không bị xáo trộn nhiều sau những bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra. Điểm lại quan hệ hai bên trong thời gian qua cho thấy, hai bên cạnh tranh nhưng vẫn có những nỗ lực để thương lượng. Hai bên bước vào cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện từ khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại Bali (Indonesia) vào tháng 11-2022, quan chức cao cấp hai nước tổ chức Hội đàm tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc 1 tháng sau đó, đồng thời thúc đẩy đàm phán về nguyên tắc chỉ đạo quan hệ Mỹ - Trung, nhất trí quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm. Thế nhưng, quan hệ Mỹ - Trung lại đóng băng sau khi xảy ra “sự cố khinh khí cầu” hồi tháng 2 vừa qua.
Không khó hiểu khi ông Vương Nghị cho rằng đường tới San Francisco không bằng phẳng. Mỹ và Trung Quốc có nhiều bất đồng trong quan hệ song phương cũng như trong quan điểm về các vấn đề quốc tế hiện nay. Nếu có cuộc gặp Biden - Tập Cận Bình ở San Francisco vào tháng 11 này, chủ để nổi lên trong quan hệ song phương có thể chủ yếu xoay quanh vấn đề cạnh tranh công nghệ, nhưng Mỹ sẽ không nhượng bộ, đồng thời cũng không hy vọng Trung Quốc có thỏa hiệp đáng kể. Phía Mỹ có thể sẽ làm rõ chiến lược quan điểm của chính quyền Mỹ về việc hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là các lĩnh vực công nghệ đặc biệt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử. Đây là những mặt hàng mang tính chiến lược cho tương lai, tất nhiên Mỹ không muốn để Trung Quốc qua mặt. Thế nhưng, theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo, phần lớn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không liên quan đến an ninh quốc gia khi “99% thương mại không liên quan đến kiểm soát xuất khẩu”. Do vậy ngoài cạnh trạnh chiến lược thì Mỹ và Trung Quốc còn nhiều dư địa hợp tác. Đó là lý do thuyết phục để nguyên thủ hai nước có thể sẽ gặp nhau ở San Francisco. Điều này cũng trùng hợp với phát biểu của ông Vương Nghị ngày 29-10 rằng, bất chấp những bất đồng, cả Trung Quốc và Mỹ đều tin rằng việc duy trì đối thoại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là cần thiết và có lợi cho đôi bên.
Tín hiệu về tinh thần hợp tác Mỹ - Trung qua chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Mỹ cơ bản đã rõ dù hai nước còn nhiều bất đồng. Nếu cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao Mỹ - Trung diễn ra, nó sẽ mang lại lợi ích cho việc cải thiện quan hệ song phương hiện đang ở trạng thái đối lập. Tuy cuộc gặp sẽ khó có thể giải quyết tất cả các vấn đề giữa hai nước, hoặc định hướng lại quan hệ Mỹ - Trung nhưng ít nhất nó giúp hai bên nói lên tiếng nói của mình và hiểu nhau hơn kể cả khi vẫn sẽ đối diện với cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn, hai quốc gia có vị thế quan trọng đối với an ninh và ổn định toàn cầu. Việc lãnh đạo hai nước trực tiếp gặp nhau ắt sẽ mang lại cơ hội quan trọng để giúp hai bên đối thoại theo hướng tích cực, mang tính xây dựng hơn, đồng thời có triển vọng khôi phục cơ chế quản lý quan hệ song phương. Hơn thế, những bất ổn của thế giới hiện nay cũng trông chờ vào nỗ lực giải quyết của hai nước lớn này thay vì họ đối đầu và không tìm được tiếng nói chung.
Thanh Huyền