Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc phá giá đồng NDT là nhằm làm cho hàng hóa Trung Quốc trên khắp thế giới rẻ hơn và nền kinh tế Trung Quốc sẽ lấy lại được đà tăng trưởng nhờ lợi thế xuất khẩu. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa chứng kiến đợt lao dốc không phanh. Những chỉ số trên khiến lãnh đạo Trung Quốc lo lắng cho tình hình kinh tế đất nước sau khi áp dụng một loạt biện pháp khắc phục nhưng không mang lại hiệu quả.
Thế nhưng theo nhiều nhà phân tích, mục đích chính của quyết định này là cho phép Bắc Kinh can thiệp sâu vào việc xác định tỷ giá đồng NDT-vốn được định giá theo đồng USD và bị hạn chế giao dịch tự do trên thị trường, đồng thời thúc đẩy mục tiêu đưa đồng NDT vào “giỏ” những đồng tiền có Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện gồm USD, EURO, Bảng Anh và Yên Nhật. Trung Quốc cho rằng việc đồng NDT “neo” vào đồng USD quá lâu đã cản trở sức cạnh tranh của Bắc Kinh với hai đối tác thương mại hàng đầu là Nhật Bản và EU, do đồng EURO và đồng Yên đều yếu hơn so với USD, trong khi đồng NDT vẫn duy trì tỷ giá ổn định so với đồng tiền này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo biện pháp này như một “con dao hai lưỡi” và Trung Quốc cần thận trọng để giảm các tác dụng phụ không mong muốn. Thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ đứng trước áp lực lớn, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng cao, bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc. Đó là chưa kể, sự giảm giá mạnh của đồng nội tệ sẽ ảnh hưởng tới đời sống người lao động, dẫn đến tình trạng mất việc hàng loạt, thậm chí có thể dẫn tới rối loạn xã hộ#i. Thực tế, động thái phá giá nội tệ đã làm tê liệt thị trường chứng khoán-cỗ máy sản sinh tài sản lớn của Trung Quốc, khiến các tỷ phú của nước này điêu đứng. Hãng tin Bloomberg cho hay, 27 tỷ phú Trung Quốc nằm trong nhóm 400 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 12 tỷ USD chỉ trong 3 ngày (10 đến 12-8) sau khi PBoC tuyên bố phá giá đồng NDT.
Ở bên ngoài, quyết định bất ngờ của PBoC làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ khi hàng loạt quốc gia châu Á phải đối mặt với áp lực phá giá đồng tiền để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Khi đó, chưa rõ ai là người giành phần thắng.
Theo IMF, trong 3 năm tiếp theo, Trung Quốc cần tiến hành cải cách và bãi bỏ điều chỉnh đồng NDT. Phát biểu tại thủ đô Bắc Kinh hôm 15-8, đại diện IMF tại Trung Quốc-Markus Rodlauer khẳng định: “Do Trung Quốc ngày càng hội nhập vào hệ thống tài chính toàn cầu, nên điều rất quan trọng là để cho đồng NDT được quy định bởi cơ chế thị trường”. Ông Markus Rodlauer cho rằng nếu Trung Quốc không cải cách thì sẽ buộc phải chấp nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Đã tròn 10 năm Trung Quốc tiến hành cải cách chính sách tỷ giá, tức là thúc đẩy thị trường hóa lãi suất và tự do hoá tỷ giá. Tuy nhiên, việc phá giá đồng NDT càng bộc lộ rõ thực tế rằng nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với rủi ro “hạ cánh cứng”.
Nguyễn Đăng Song