Điều đó chứng tỏ nhân dân ta rất anh hùng, lại rất thính về chính trị… Đảng phải khơi lên cho hết chí khí cách mạng, tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, tập trung mọi lực lượng giải phóng dân tộc…". Bác Hồ đã đánh giá như vậy và ngay sau đó Bác rời Trung Quốc về nước, cùng các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt khẩn trương chuẩn bị Hội nghị BCH T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, để rồi ngày 10-5-1941, tại Pác Bó (Cao Bằng), hội nghị được khai mạc.

Cái "rất thính về chính trị" như Bác nói, ấy là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa diễn ra, mà ở hội nghị này, BCH T.Ư đã nhận định: "Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đã đẻ ra Liên Xô - một nước XHCN, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này, sẽ đẻ ra nhiều nước XHCN, do đó mà cách mạng nhiều nước sẽ thành công". Quả vậy, từ khi chiến tranh bùng nổ, phong trào giải phóng dân tộc chống phát xít đã nổi lên mạnh mẽ khắp châu Âu, châu Á, cả châu Mỹ, châu Phi. Còn tình hình Đông Dương, thì "Nhật xâm lược Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật… Tất cả các bộ máy kinh tế đều chiến tranh hóa… phát xít hóa tất cả bộ máy cai trị". Tuy nhiên "Mặc dù đế quốc đàn áp liên miên và dữ dội, phong trào cách mạng Đông Dương ngày càng sôi nổi, mạnh mẽ, nhất là trong binh lính. Nổi bật là ba cuộc khởi nghĩa của nhân dân Bắc Sơn, Nam Kỳ và binh lính Đô Lương…". Từ sự phân tích đó, hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là: "Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông, mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương. Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật". Nhưng muốn đánh Pháp đuổi Nhật, "Phải có một lực lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông Dương họp lại". Hội nghị đã nêu ra thế, đã vạch rõ sách lược của Đảng là "Phải có một mặt trận dân tộc thống nhất, phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân". Theo đề nghị của Bác, hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương trước đó.

Về khởi nghĩa vũ trang, hội nghị ra quyết định: "Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và toàn dân trong giai đoạn hiện tại". Trước đây, các hội nghị Trung ương năm 1939 và năm 1940 mới có những phác họa bước đầu, nay từ thực tiễn của ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương. "Những cuộc khởi nghĩa đã gây một ảnh hưởng rộng lớn toàn quốc. Đó là những tiếng súng báo hiệu cho một cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc Đông Dương". Căn cứ vào những đánh giá và kinh nghiệm đó, cộng với dự đoán tình hình sắp tới, hội nghị đã xác định rõ hơn nhiều vấn đề cụ thể, như vị trí và hình thái của khởi nghĩa, đồng thời dự kiến những điều kiện thời cơ cho cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi: Ấy là khi giai cấp thống trị lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện đến cực điểm; nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị của Nhật - Pháp, sẵn sàng vùng dậy khởi nghĩa; phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương; Liên Xô đại thắng; cách mạng Pháp hay cách mạng Nhật nổi dậy; quân Anh - Mỹ tràn vào Đông Dương; đặc biệt là Mặt trận cứu quốc đã thống nhất toàn quốc… Và ngay từ khi đó, hội nghị đã bàn: "Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật, sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc". Cuối cùng, toàn BCH đã hạ quyết tâm: "Khi thời cơ đến, với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn"…

Đúng như Nghị quyết T.Ư lần thứ 8 của Đảng đã chỉ ra, lá cờ khởi nghĩa phất lên từ những năm bốn mươi, bốn mốt ấy, đã tung bay khắp non sông Tổ quốc ta vào tháng 8-1945 và ngay sau đó, một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời!...

Nguyễn Phúc Ấm