Cho đến thời điểm hy sinh vào cuối buổi chiều ngày 3-4-1973 trên cung đường Trường Sơn, từ Pắcxoòng đi Atôpơ (Nam Lào), ông chỉ là Đại tá, nhưng với bề dày thời gian, uy tín, đặc biệt là những cống hiến lớn lao của ông cho cách mạng và Quân đội ta, rất nhiều người vẫn tôn Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Anh hùng LLVTND Đặng Tính là một vị Tướng. Ông hội đủ các phẩm chất của một vị Tướng theo lời dạy của Bác Hồ: Trí - Dũng - Nhân - Liêm - Trung. Và cũng vì thế, nên với gia tài thơ khá đầy đặn, đặc biệt là gần trăm bài thơ ông viết ở Trường Sơn và về bộ đội Trường Sơn, tôi mạnh dạn gọi ông là “Thi Tướng” của Trường Sơn.
Đọc cuốn sách “Chính ủy Đặng Tính - thơ và đồng đội”do chị Đặng Mai Phương - con gái út của ông gửi tặng (Nhà xuất bản QĐND xuất bản, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 - 19.5.2019), cảm nhận đầu tiên của tôi là: Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đặng Tính là một cán bộ chính trị cao cấp rất yêu thơ với một tâm hồn thơ dào dạt. Cũng có thể nói, thơ là một phần rất ý nghĩa trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, tựa như nước uống, khí trời...
Phần chính cuốn sách “Chính ủy Đặng Tính - thơ và đồng đội”là 100 bài thơ của Chính ủy Đặng Tính, được tuyển chọn từ di cảo vô cùng phong phú của ông, đó là những tập nhật ký chiến đấu, chiến trường, sổ tay công tác… Trong số 100 bài thơ đó, có tới 92 bài ông viết trong những năm tháng ở Trường Sơn. Nếu tính từ thời khắc ông tạm biệt Hà Nội, tạm biệt Quân chủng và gia đình lên đường vào Trường Sơn (ngày 24-10-1971) đến ngày ông hy sinh, thì Chính ủy chỉ gắn bó với Trường Sơn trọn hai mùa khô (1971-1972 và 1972-1973); nhưng sự lăn lộn trên khắp các trục dọc, trục ngang của tuyến chi viện chiến lược; trải nghiệm sự khốc liệt của chiến trường, đặc biệt là chứng kiến tinh thần xả thân vì con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vì công cuộc chi viện cho chiến trường của những người lính Trường Sơn, cộng với tâm hồn thơ đầy xúc cảm đã giúp ông có được gia tài thơ không nhỏ.
Nói về thơ viết ở Trường Sơn của Chính ủy Đặng Tính, Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Chính ủy Binh đoàn 12 - Đơn vị kế thừa Bộ Tư lệnh Trường Sơn, cho hay: “…Vào chiến trường Trường Sơn, anh lăn lộn trên nhiều trọng điểm ác liệt, đặt chân tới nhiều đơn vị binh chủng của Trường Sơn. Anh chứng kiến nhiều hình ảnh cảm động của cuộc chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ Trường Sơn… Đọc 92 bài thơ viết tại Trường Sơn của anh, chúng ta có thể hình dung được hành trình phong phú của anh trên mọi nẻo đường Trường Sơn với nhiều địa danh nổi tiếng ác liệt và gian khổ… Nhiều bài thơ hay mà anh ghi trong “Nhật ký” đã ra đời… Chính ủy Đặng Tính là một nhà thơ của Trường Sơn. Nhiều bài thơ của anh đăng trên báo “Trường Sơn” đã được cán bộ, chiến sĩ chuyền tay nhau đọc và thuộc thơ anh như thuộc thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật…”.
Quả thật, đọc thơ của Chính ủy Đặng Tính viết ở Trường Sơn, chúng ta dễ dàng nhận thấy đây là những trang nhật ký bằng thơ. Cảm xúc về những sự việc, con người, cảnh tình… Trường Sơn được ông ghi nhanh bằng những vần thơ chân chất, nhưng giàu hình ảnh và không ít bài được cấu tứ thật sâu lắng.
Bao trùm những trang nhật ký bằng thơ của Chính ủy Đặng Tính là tình cảm, tâm nguyện của ông với Bác Hồ, với Đảng; là niềm tin sắt son vào tương lai của con đường mang tên Bác:
…Nhớ Bác, Trường Sơn nguyện một lòng
Sống đời cách mạng thật sáng trong
Đánh Mỹ đến hoàn toàn thắng lợi
Như lời Di chúc Bác hằng mong.
(Trường Sơn nhớ Bác).
Và:
Mùa xuân đâu chỉ riêng ngày Tết
Xuân cùng tuổi Đảng nở muôn hoa
Hoa chiến công ngạt hương đua sắc
Giữa Trường Sơn bát ngát bay xa…
(Xuân trên Trường Sơn).
Thơ ông là tiếng lòng, là tình cảm chân thành, thân thiết với đồng chí, đồng đội, trong những tháng ngày cùng “vào sinh ra tử”, được ngân lên từ con tim giàu xúc cảm. Từ Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, đến chỉ huy các sư đoàn, binh trạm, những chiến sĩ lái xe “Tuấn mã Trường Sơn”, người lính công binh, giao liên, quân y, thông tin, thanh niên xung phong… đều hiện lên trong thơ của ông với tất cả niềm cảm phục, yêu thương.
Với Chính ủy Sư đoàn 470 Hoàng Thế Thiện, ông viết:
Anh Hoàng Thế Thiện ơi
Sắp tới mùa xuân rồi
Cuối đông trời còn lạnh
Nhớ anh xin gửi tặng
Nửa tấm chăn dù mỏng
Từng ấm lạnh cùng chung…
Ông bày tỏ niềm cảm phục chiến sĩ giao liên:
Hoan hô quân giao liên
Nối liền đường Nam - Bắc…
Càng kho khăn gian khổ
Càng bất khuất kiên trung
Càng thông minh sáng tạo…
Xứng con cháu Bác Hồ
Trên tuyến đường lịch sử.
(Tặng chiến sĩ giao liên).
Hình ảnh chiến sĩ trinh sát trong con mắt của nhà thơ cũng rất thơ:
Người chiến sĩ trinh sát
Đứng cao hơn ngọn cây…
Giữa rừng cây xanh biếc
Giữa Trường Sơn trời mây…
(Chiến sĩ trinh sát).
Là nhật ký viết bằng thơ, nhưng không ít bài thơ của ông rất giàu thi tứ, hình ảnh:
Chào những đoàn dũng sĩ
Lái xe trên Trường Sơn
Đầu xanh mà tóc bạc
Vì lớp lớp bụi đường…
*
Những hàng cây thân thương
Xanh màu xanh đất nước
Mà sao đầu cũng bạc
Vì lớp lớp bụi đường
Vì đạn bom giặc Mỹ…
(Xe đi trên Trường Sơn).
Thật cảm phục và trân quý, bởi những vần thơ giàu hình ảnh, thi tứ ấy được ông viết trong khung cảnh:
Khi nằm võng bạt giữa Trường Sơn
Trời xanh lốm đốm lá cây vờn
Co chân lấy gối làm bàn viết
Bài thơ đánh Mỹ của Việt Nam.
*
Đêm ngủ nhà thùng gần thác Bạc
Nghe thời cơ gọi bước tiến lên
Cùng đoàn thuyền chiến khi vượt thác
Viết bài thơ mới ở “ba biên”.
(Làm thơ ở Trường Sơn).
Thật là thiếu sót nếu không đề cập đến những bài thơ Chính ủy Đặng Tính viết về hậu phương trong những ngày ở Trường Sơn, mà gần gũi, thân thương nhất là người vợ trung hậu đảm đang:
Chốc đà gần một năm trời
Chiến trường đánh Mỹ, nhớ người công nhân…
Chúc đồng chí Mùi công nhân
Việc nhà việc nước mười phân vẹn mười.
(Gửi người trung hậu đảm đang).
Và những dòng thơ trĩu nặng yêu thương mà tươi sáng dành cho bốn cô con gái:
Bố lại làm thơ gửi các con
Gửi cả lòng tin tưởng sắt son…
*
Bố lại làm thơ gửi các con
Thơ từ tuyến lửa đỉnh Trường Sơn
Thơ mang chất thép người cách mạng
Thép càng tôi luyện vững bền hơn…
(Gửi các con Tuệ, Nhu, Mai, Phương)
Thật khó nói hết những gì Chính ủy Đặng Tính gửi gắm ở 92 bài thơ (chọn) của ông viết trong những ngày gắn bó với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn thời đánh Mỹ. Nhân Ngày Thơ Việt Nam, xin gợi lại đôi dòng như nén tâm nhang dâng lên vị “Thi Tướng của Trường Sơn”.
Duy Tường