Vì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, thịnh vượng
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - James Mattis đề cập tầm nhìn cũng như những biện pháp của Mỹ đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định giá trị của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với không chỉ an ninh, ổn định của Mỹ mà còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Mỹ tiếp tục cam kết với tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với ASEAN, Ấn Độ để xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng cho tất cả. Ông James Mattis cũng lên án các hành động có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, trong đó có những hành động đơn phương của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông. Đồng thời khẳng định: Mỹ sẵn sàng hành động nếu cần thiết để đảm bảo an ninh ổn định khu vực.
Vấn đề bán đảo Triều Tiên tiếp tục làm nóng chương trình nghị sự với những diễn biến tích cực gần đây và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore. Các nước khẳng định cần nắm bắt cơ hội để tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục đạt kết quả tích cực, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Triều Tiên, các nước trong khu vực mà còn ổn định và hòa bình của thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Canada nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực với các hành động chân thành của Triều Tiên gần đây tăng cường đối thoại, phá hủy cơ sở hạt nhân. Đây là những bước đi đúng đắn”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết tiếp tục hợp tác để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên có thể đi đúng hướng, nhưng cũng khẳng định sẽ có bước đi mạnh mẽ nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên.

Để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị
Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận thứ ba của diễn đàn, với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch chỉ ra một thực tế là những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khủng bố… đang hiện hữu một cách rất rõ ràng, đặt khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước những nguy cơ có thực và cận kề. Trong bối cảnh đó, việc các bên liên quan cùng đàm phán giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương là con đường tốt nhất.
Các quốc gia cần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau thông qua tham vấn, trao đổi thông tin, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội. Quan trọng nhất là các bên minh bạch hóa chính sách, thể hiện thiện chí, quyết tâm, thực hiện đúng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý, lời nói đi đôi với việc làm. Phát huy hiệu quả và mở rộng, đa dạng hóa các cơ chế đối thoại, hợp tác về quốc phòng-an ninh, chính trị, kinh tế trong khu vực và liên khu vực; nghiên cứu xây dựng cơ chế mới hỗ trợ các bên giải quyết hòa bình các vấn đề an ninh, tranh chấp, nhất là các vấn đề phức tạp như bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông…, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ, tuân thủ luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch một lần nữa nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)’ vừa là biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc, vừa thể hiện quyết tâm của các nước đóng góp cho một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Việt Nam cho rằng mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực. Thay vào đó, các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.
Đăng Song