Đại đô Angkor, được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 tại Campuchia ngày nay, từng là kinh đô của đế chế Khmer. Sử sách ghi nhận đế chế Khmer từng là một nước rộng và hùng mạnh nhất tại Đông Nam Á trong gần 5 thế kỷ. Tọa lạc trên một vùng đất có diện tích lên tới 1.000 km2, Angkor là đô thị lớn nhất thế giới trong thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Đế quốc Khmer bắt đầu suy tàn từ thế kỷ 14 và người Thái chiếm được đại đô Angkor vào năm 1431. Sau khi bị người Thái đốt, phá, Angkor suy tàn nhanh chóng.

Giới khoa học cho rằng các cuộc chiến tranh liên miên và tình trạng cạn kiệt tài nguyên đất là nguyên nhân dẫn tới sự suy tàn của Angkor. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy những đợt hạn hán kéo dài mới là thủ phạm,Livesciencecho biết.

Người Khmer đào rất nhiều kênh, mương và hồ chứa để tích trữ nước dành cho đồng ruộng trong mùa mưa. Để dựng lại lịch sử khí hậu tại Angkor trong khoảng 1.000 năm, các nhà khoa học của Đại học Cambridge tại Anh đã phân tích mẫu trầm tích trong hồ chứa lớn nhất tại Angkor. Tây Barray, tên của hồ đó, có thể chứa 53 triệu m3 nước.

Kết quả phân tích cho thấy vào giai đoạn mà Angkor sụp đổ, tốc độ lắng tụ của trầm tích chỉ bằng 1/10 so với khoảng thời gian trước. Điều đó cho thấy mực nước trong hồ giảm rất mạnh.

Do cả mực nước và trầm tích đều giảm, hệ sinh thái trong hồ cũng thay đổi. Những loài tảo thích hợp với cuộc sống ở đáy hồ chứa và những cây nổi trên mặt nước sinh sôi nhanh chóng. Cuối cùng, những hệ thống dẫn và giữ nước của đế quốc Khmer trở nên vô dụng trước những biến động bất ngờ trên diện rộng của khí hậu.

Day nói thêm rằng hạn hán không phải là nguyên nhân duy nhất khiến đế quốc Khmer diệt vong.

Ngày nay những phế tích của Angkor nằm gần thành phố Xiêm Riệp của Campuchia. UNESCO công nhận chúng là di sản thế giới.

Quỳnh Anh (TH)