Nhưng vấn đề người dân hy vọng hơn cả là sau khi bị bắt, Vũ “nhôm” sẽ khai ra sự thật, vén “bức màn đen” che bao điều bí ẩn khiến dư luận Đà Nẵng liên tục tự hỏi: Vũ “nhôm” là ai? Là ai mà dám cả gan tuyên bố lũng đoạn cả công tác cán bộ địa phương? Là ai mà dễ dàng chiếm được những vị trí đất vàng, đất kim cương ở “thành phố đáng sống”?
Lâu nay, dư luận xã hội vẫn nói nhiều đến trật tự “thứ nhất quan hệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”. Vũ “nhôm” có thể xem là “đại biểu” của các mối “quan hệ”.
Nhiều người cho rằng, “hậu duệ” mới đứng hàng thứ nhất; có người lại cho rằng “tiền tệ” xếp thứ nhất... Nhưng ngẫm cho kỹ, “quan hệ” theo nghĩa xấu, nghĩa tiêu cực xếp hàng thứ nhất quả không ngoa. Nếu những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng được thực hiện do tác động của “hậu duệ” hay “tiền tệ” thì tập thể, cộng đồng dễ nhìn thấy. Còn nếu do “quan hệ” mà thành thì nó dễ đội cái mũ “khách quan”, cho nên, các mối quan hệ “lợi ích nhóm” rất tinh vi, đan xen chằng chịt lẫn nhau. Người đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực của “hậu duệ”, “tiền tệ” xem ra còn dễ “điểm mặt, chỉ tên” chứ các mối quan hệ “lợi ích nhóm” thì rất khó và do đó, rất khó chống. Từng có những xì xào rất nhiều trước kết quả bầu cử hay quyết định nhân sự của địa phương này, cơ quan kia, rằng đằng sau đó là sự tác động của công ty X, doanh nhân Y... nhưng tất cả vẫn chỉ là tin đồn. Mà tin đồn dạng không có căn cứ thì công cuộc chống tiêu cực rất dễ đi vào ngõ cụt.
Vũ “nhôm” bị bắt và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đáng bàn hiện nay là xã hội có bao nhiêu Vũ “nhôm” và làm thế nào để không còn những “đại gia”, “mafia” kiểu như Vũ “nhôm”? Đây là câu hỏi lớn, thậm chí rất lớn chưa dễ tìm ra câu trả lời thỏa đáng trong ngày một, ngày hai. Các kiểu quan hệ “lợi ích nhóm” như Nghiêm Nhan (trong Tam Quốc diễn nghĩa), chặt cái đầu nọ nó sẽ mọc cái đầu khác. Chống “lợi ích nhóm” thực chất là chống “giặc nội xâm”, một vấn đề có tính quy luật của quyền lực nhà nước. Giải pháp lâu dài là phải kiên trì xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN, nhiệm vụ trước mắt là tích cực hoàn thiện thể chế đồng thời kiên quyết xử lý những vụ việc tiêu cực do “lợi ích nhóm” đã được phát hiện.
Lên án Vũ “nhôm” làm ăn theo kiểu “quan hệ” với các cán bộ có chức, có quyền để giành đặc quyền, đặc lợi; chúng ta cũng phải lên án và đấu tranh với những cán bộ đã “nhúng chàm quan hệ”, trót sa vào mê cung hám danh, hám lợi, để doanh nghiệp chi phối và làm “tay sai” cho doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Trương Quang Nghĩa đã phát biểu: “Nếu như có việc này thì đây là sự sỉ nhục đối với chính quyền, đối với hệ thống công quyền của chúng ta, tại sao để thế được?”.
Như đã nói ban đầu, bàn tay “quan hệ” của những doanh nhân kiểu Vũ “nhôm” như những chiếc vòi bạch tuộc, rất tinh vi và gớm ghiếc. Không chỉ những vị quan chức hám lợi “dính chàm” mà đôi khi có cả những cán bộ thanh liêm sa bẫy. Một cán bộ dù kiên quyết không nhận tiền, quà của doanh nghiệp nhưng đôi khi lại vui vẻ nhận lời cùng doanh nghiệp về trao quà từ thiện cho người nghèo quê hương mình. Thế là trước lạ, sau quen, quà cho bản thân thì người cán bộ đó không nhận nhưng đôi khi nhờ vả doanh nghiệp giúp đỡ người thân hay đồng chí, đồng đội. Rốt cục, “viên đạn bọc đường” mà doanh nghiệp đã bắn ra thường là những “viên đạn thông minh”, dù đi vòng vèo nhưng cuối cùng vẫn trúng đích ngắm. Vì lẽ đó, “không gian sáng tạo” cho những kẻ như Vũ “nhôm” là vô cùng rộng lớn. Có thể tính chất, mức độ khác nhau mà thôi!
Cho nên, khó mà trả lời cho câu hỏi “có bao nhiêu Vũ “nhôm?”. Vấn đề là, mỗi đơn vị, mỗi địa phương, mỗi cán bộ có chức, có quyền hãy tự đặt câu hỏi cho mình, cho đơn vị, địa phương mình. Hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 6 (Khóa XII) là phải “Tự gột rửa mình”. Nếu ai cũng biết “tự gột rửa mình” thì từ nay về sau, những người như Vũ “nhôm” làm gì còn đất sống!
Nguyễn Hồng