Đúng như cách gọi trong Quân đội, các ông tự đặt cho nhóm - những người được T.Ư lâm thời Hội CCB Việt Nam mời đến Trụ sở cơ quan Hội giao nhiệm vụ “Thiết kế tờ báo của Hội” là “Tổ tam tam”, đó là các ông Trần Minh Bắc, Cao Nham và cha tôi - Đại tá nhà báo Hàn Thụy Vũ.
Hơn 20 năm tồn tại và phát triển của Báo CCB Việt Nam, giờ đây các ông trong cái “tổ tam tam” ấy đã lần lượt ra đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng tôi còn nhớ như in, đó là vào những ngày đầu tháng 3-1990, cha tôi vừa nhận quyết định nghỉ hưu ở Báo Quân đội nhân dân đã như trẻ lại, nhanh nhẹn, hoạt bát hẳn lên. Ông đi suốt, nhiều hôm cả nhà chờ mãi chẳng thấy về ăn cơm trưa. Rồi một hôm, ông về chìa cho mẹ tôi và gia đình xem một tờ giấy pơ-luya. Đó là giấy mời của Ban Tuyên giáo, Hội CCB Việt Nam, do Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương-Trưởng ban ký, mời cha tôi đến Trụ sở T.Ư Hội tại số 34 Lý Nam Đế để: “…Góp ý vào việc chuẩn bị ra tờ báo của Hội”, thời gian họp là sáng ngày 5-10-1990.
Chẳng biết các ông bàn bạc với nhau thế nào về việc “thiết kế” tờ báo của Hội và ở cơ quan ra sao, mà có lúc, ngay cả nhà tôi, khi đó còn ở số 8 Lý Nam Đế cũng trở thành “Trụ sở lâm thời” của Báo CCB Việt Nam: Đó là vào khoảng giữa năm 1990. Một buổi sáng, ông Trần Minh Bắc, ông Cao Nham và cha tôi chụm đầu say sưa bàn bạc, tính toán. Chẳng khó khăn gì để nhận ra rằng các ông đang bàn về việc chuẩn bị nội dung, nhân sự cho một tờ báo. Ở đây là tờ báo của Hội CCB Việt Nam - một hội đoàn thể vừa mới được thành lập. Cũng có thể thấy tầm vóc quan trọng của công việc khi các ông bàn luận nghiêm túc, say sưa đến quên cả thời gian. Khi hai ông về rồi, cha tôi lại leo lên cái gác xép, lấy mấy tờ giấy đen đúa, can can, nối nối, rồi kẻ, rồi hý hoáy viết viết, xóa xóa. Sau này tôi biết đó chính là bản thiết kế của tờ báo Hội mà ông phải gấp rút làm ngay để đưa Thường trực T.Ư Hội thông qua.
Cha tôi kể rằng: Bản thiết kế tờ báo mới non trẻ được hoàn thành và thông qua nhanh chóng. Về tổ chức tòa soạn chỉ có 8 suất phụ cấp, mỗi suất 40.000 đồng/tháng (năm 1990). Vậy là toàn bộ nhân sự của Tòa soạn Báo CCB Việt Nam khi đó ngoài ông Trần Minh Bắc, ông Cao Nham và cha tôi, sau này có thêm các ông Lê Kim, Phan Hiền, Trần Ngọc, Công Bằng, Bùi Đình Nguyên, Xuân Mai.
Về nội dung khi được chứng kiến các ông bàn luận với nhau tại nhà mình, tôi thấy mỗi ông đều tâm đắc với một số mục mà trước kia, khi còn tại chức các ông chưa thực hiện được. Ngoài những mục không thể thiếu của một tờ báo đoàn thể chính trị như xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước XHCN, xây dựng lực lượng vũ trang, tình đoàn kết quân dân, lịch sử truyền thống, không thể thiếu nữa là tính đặc thù của CCB… với các mục “Sống vui”, “Gia đình chúng ta”, “Ngẫm sự đời” (sau đổi là “Ngang trái đời thường”…). Có một mục mà lần đầu tiên tôi được nghe mà thấy nó vừa quen vừa lạ, đó là mục “Tìm người thân” với cha tôi thì việc tham gia vào “Tổ tam tam” thiết kế tờ báo Hội đã cho ông cơ hội thực hiện điều ông ấp ủ, đau đáu hàng chục năm, đó là tờ báo phải góp phần tìm kiếm gần nửa triệu liệt sĩ vẫn còn mất tin, mất mộ, như một câu thơ được ông dẫn ra: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ…” (Thơ Quang Dũng-Tây Tiến).
Tháng 1-1991, Báo CCB Việt Nam ra số đầu tiên với 16 trang khổ 19 x 25cm trong niềm vui như trẻ lại của các ông trong Ban biên tập đầu tiên. Mục “Tìm người thân” dài chỉ có 1 trang với lời giới thiệu đã toát lên mối ân tình, sự biết ơn của những người còn sống với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống: “Cuộc kháng chiến lâu dài của Quân đội và nhân dân ta đã trải qua bao vinh quang cũng như gian khổ mất mát. Còn nhiều gia đình đồng chí chúng ta đến nay đang mỏi mắt ngóng tìm người thân hoặc những dấu tích người thân. Báo CCB Việt Nam mở mục “Tìm người thân” với lời kêu gọi nếu có lần nào chôn cất đồng chí của mình ở những nơi khó tìm hoặc còn giữ được chút di vật kỷ niệm của liệt sĩ… hãy viết về cho chúng tôi. Và những ai cần biết tin tức, phần mộ của người thân là bạn chiến đấu cũ còn mất liên lạc hãy viết cho chúng tôi. Chuyên mục “Tìm người thân” Báo CCB Việt Nam nguyện làm liên lạc chắp nối mối dây nghĩa tình trong gia đình CCB”. Với lời “hịch” rất hợp lòng dân ấy, chuyên mục “Tìm người thân” đã phát triển nhanh chóng qua những lá thư gửi về toà soạn ngày một nhiều, gồm thư báo tin về mộ liệt sĩ, thư xin đăng tin tìm mộ liệt sĩ… đến đầu năm 1993 mục “Tìm người thân” đã mở rộng thành một Phụ san với 16 trang đóng kèm với 12 trang báo chính nhưng không tăng giá bán báo, trong khi việc đăng tin trên mộ liệt sĩ là miễn phí hoàn toàn.
Hàn Quốc Khánh
(nguyên PV Báo CCB Việt Nam)