Bác Hồ sửa thơ Tố Hữu
Tướng Văn Phác (tức Tám Trần) kể, năm 1964 lúc ông đang làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội và phụ trách báo Quân đội nhân dân thì được cấp trên cử đi chiến trường Nam Bộ, đi bí mật bằng đường biển (từ bãi biển Đồ Sơn - Hải Phòng vào thẳng cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh).
Cùng đi có 4 đồng chí nữa. Trước hôm lên đường, Bộ Chính trị tổ chức chiêu đãi đoàn tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (33 Phạm Ngũ Lão - Hà Nội). Trong buổi tiễn đoàn, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và các tướng lĩnh cao cấp, Bác Hồ đến rất đúng giờ hẹn. Người ân cần hỏi thăm từng cán bộ, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của đoàn công tác và yêu cầu nhà thơ Tố Hữu đọc thơ tiễn đoàn. Nhà thơ bị bất ngờ nhưng đã kịp “ứng khẩu’ hai câu như sau:
Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay
Bạn về chúc bạn ngày ngày thành công.
Bác tỏ ra hài lòng, nhưng đề nghị nhà thơ sửa chữ về bằng chữ đi. Rồi Bác đọc lại:
Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay
Bạn đi chúc bạn ngày ngày thành công.
Mọi người rất vui vẻ. Bác đi một vòng xem xét chỗ ngồi và thức ăn của mọi người đâu vào đấy, rồi trở về chỗ của mình. Bác lại chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: "Bây giờ đề nghị đồng chí Văn hô “xung phong”.
Đại tướng đứng dậy vui vẻ: Tối nay các đồng chí được Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cử đi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Vậy theo lệnh của Bác, tất cả “Xung phong”…!
Ôi Đại tướng ơi!
Mùa xuân năm 1948, cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, nhà văn Nguyễn Tuân theo bộ đội lên Việt Bắc đánh giặc. Ông đi với Trung đoàn Thủ đô. Ông kể trong bài “Buổi thi chính trị” rằng, có một lần ông và nhà viết kịch Đoàn Phú Tứ, tác giả “Màu thời gian” và vở kịch “Ngã ba” xuất bản từ trước Cách mạng Tháng Tám, được mời tham gia ban giám khảo một cuộc thi chính trị của bộ đội nhân kết thúc cuộc vận động “Luyện quân lập công”. Ông viết về cảm nghĩ của mình lúc đó như sau: “Thật là một điều mới mẻ cho đời tôi! Một người vốn chỉ sống với hoa nở bên đường, trôi nổi bên dòng liễu nhân và thích những vùng mây xa quá tầm với của tay mình, một người nặng căn mộng tưởng như thế này mà nhất đám phải đứng trước chỗ ba quân, để đố thách những người quân nhân cách mạng! Mà lại đột ngột! Mà lại không được chuẩn bị từ trước! Ôi, Đại tướng ơi! Thật chỉ có cách mạng thì mới có những việc như thế này!”.
Và ông đã chứng tỏ được “sự thân thiết giữa anh em cầm bút và anh em cầm súng”. Ông đã hỏi 50 anh em trong Trung đoàn một câu. Mới đầu định hỏi: “Tại sao về chính trị, Trung đoàn Thủ đô lại giỏi hơn các đơn vị khác?”, nhưng nghĩ hỏi như vậy sẽ dễ gợi cái “ý đố kỵ sai lầm” không tốt, nên trước khi ngồi vào cái ghế giám khảo cuộc thi vấn đáp chính trị, ông đã đổi lại câu hỏi thành: “Tại sao anh em Trung đoàn Thủ đô lại không được phép thua những đơn vị khác về chính trị?”.
Chỉ đổi mỗi mấy từ “phải giỏi hơn” thành “không được phép”, câu hỏi thi của Nguyễn Tuân đã không chỉ “chính trị” hơn mà còn toát lên một tinh thần rất “quân sự” nữa. Mới hay với Nguyễn Tuân dù là khi nói hay lúc viết thì ngôn từ luôn luôn được ông tính toán đắn đo rất kỹ rồi mời dùng. Ông đúng là một nhà văn có “trình độ sử dụng tiếng Việt điêu luyện” và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn xuôi quốc ngữ Việt Nam hiện đại như nhận xét của người đời sau.
Lương tướng - Tiền văn
Năm ấy, nhà văn quân đội Dũng Hà vừa được thăng cấp Tướng. Nghe tin này bạn bè văn nghệ kéo đến “phố nhà binh” mừng cho nhà văn, trong số này có nhà Hán học trẻ (lúc bấy giờ) của quân đội là Đào Thái Tôn. Anh có vế đối như sau tặng người bạn vong niên:
- Lương tướng quý lắm rồi, chúc anh khỏe để trở thành lương tướng.
Cái giỏi của vế đối này là ở chữ lương tướng, lương tướng ở đây vừa có nghĩa là lương của tướng vừa có nghĩa là vị tướng giỏi, tướng lương thiện. Ứng khẩu được vế đối hay, Đào Thái Tôn khoái lắm - bèn “thách” đối. Một hôm, nhà thơ Vương Trọng gặp Đào tiên sinh bên gốc đại già “nhà số 4” bèn kêu dừng lại và thong thả đọc:
- Tiền văn thêm được mấy, sao chú vui mà bám gót tiền văn.
Cái chỉnh của vế đối này là chữ tiền văn, tiền văn như là nhuận bút, vừa như là văn chương cổ, văn chương của người xưa. Đào tiên sinh chỉ biết vỗ đùi khen “giỏi”, “giỏi”. Vương Trọng quá giỏi!
Ngô Vĩnh Bình