Việc làm này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng và vi phạm cả Quy chế quản lý rừng đặc dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành, "Nghiêm cấm làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng".

Trước hiện trạng trên, chính quyền xã An Phú đã nhiều lần vận động, thuyết phục linh mục Nguyễn Văn Hữu và một số giáo dân tháo dỡ công trình xây dựng trái phép - cây thánh giá, nhưng vô hiệu. Trên các tờ báo mạng, họ khăng khăng cho rằng: Núi Chẽ thuộc "đất của giáo xứ Đồng Chiêm". Nhưng không phải như thế. Từ lâu nay, khu vực núi Chẽ do Ban quản lý rừng Hương Sơn đảm trách. Vì vậy, ngày 6-1-2010, chính quyền xã An Phú đã tổ chức tháo dỡ cây thánh giá trên núi Chẽ, theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Dư luận nhân dân trong vùng rất hoan nghênh và đồng tình với việc làm này.

Thế nhưng, linh mục Nguyễn Văn Hữu và một số giáo dân lại dựng các cây thánh giá khác bằng tre bương, gỗ; lắp đèn, đặt bát hương và kêu gọi giáo dân hành lễ dưới chân núi với chiêu bài: "Bảo vệ thánh giá - biểu tượng của niềm tin công giáo". Việc tụ tập đông người ở nơi công cộng và tổ chức hành lễ ngoài cơ sở thờ tự, không xin phép chính quyền địa phương, họ lại vi phạm thêm các quy định của pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Thậm chí, dưới sự chỉ đạo của một số linh mục, các giáo dân thôn Đồng Chiêm đã mua vải tang, tổ chức quay phim, chụp ảnh, lu loa với một số đài, báo phản động rằng, chính quyền địa phương "giết Chúa" giáo dân phải "để tang". Tòa Tổng Giám mục Hà Nội ra thông cáo xuyên tạc sự thật, vu cáo chính quyền "đánh đập tàn nhẫn giáo dân", "triệt hạ, đập phá thánh giá"; dùng lời lẽ kích động: "Xúc phạm đến thánh giá là xúc phạm tới Chúa Kitô, xúc phạm đến biểu tượng thiêng liêng nhất của Đức Kitô và Giáo hội".

Rõ ràng, họ thực hiện mưu đồ "Chính trị hóa", vụ việc này. Hình tượng cây thánh giá trở nên thiêng liêng không chỉ đối với người Công giáo mà còn đối với nhiều người theo các tín ngưỡng khác hoặc những người không tín ngưỡng cũng tôn kính. Song một số chức sắc của tòa Tổng Giám mục Hà Nội, linh mục Nguyễn Văn Hữu và một số giáo dân Đồng Chiêm đã sử dụng cây thánh giá như một công cụ để thách thức chính quyền, kích động, lôi kéo giáo dân vào các hành vi, vụ việc vi phạm pháp luật của Việt Nam. Đông đảo chức sắc, linh mục và hàng mấy triệu đồng bào Công giáo rất bất bình trước hành động của những kẻ lợi dụng Chúa, núp bóng Chúa, đang tâm sử dụng biểu tượng thiêng liêng của Chúa để thực hiện các mưu đồ đen tối. Dư luận quần chúng đã thấy rõ, chính linh mục Nguyễn Văn Hữu và một số chức sắc trong tòa Tổng Giám mục Hà Nội là những người đang xúc phạm biểu tượng tôn giáo thiêng liêng. Các hành vi, mưu đồ đó phải vạch trần và lên án mạnh mẽ.

Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 khẳng định: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không phải là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của phúc âm… Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc, góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc".

Qua vụ việc xảy ra ở Đồng Chiêm, Hội đồng Giám mục Việt Nam cần nghiêm khắc, không cho phép ai lợi dụng biểu tượng tôn giáo thiêng liêng như một công cụ để thách thức chính quyền nhằm thực hiện các mưu đồ xấu. Mặt khác, bề trên phải răn dạy các linh mục có những vi phạm pháp luật, cần sống và làm việc theo đúng với đường hướng hành đạo của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Sống phúc âm trong lòng dân tộc"; và lời răn của Đức Giáo hoàng: "Bằng đời sống xây trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt".

Ở Việt Nam hiện nay tín đồ và chức sắc các tôn giáo, đã và đang yên tâm hành đạo; tin tưởng ở các chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Họ gắn bó với quốc gia, dân tộc theo đường hướng "Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội"; "nước vinh, đạo sáng", với tấm lòng "kính Chúa yêu nước". Các giáo dân vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc vừa làm tròn bổn phận của một tín đồ. Họ hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bác Hồ luôn luôn mong muốn thực hiện "Lời chào đại hòa hợp". Người thường xuyên động viên các giáo dân "Sống theo Đảng, chết theo Chúa" và khẳng định, đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không có gì mâu thuẫn nhau. Bởi lẽ, mỗi người dân đất Việt đều là công dân tốt và tín đồ chân chính…

CHI PHAN