Vị Chuẩn đô đốc dáng ngư dân…
Trên con tàu 996 ra đảo Trường Sa lần này, nếu ông không mặc quân phục mang cấp hàm Chuẩn đô đốc Hải quân, có lẽ ai cũng nghĩ đó là một ngư dân “chính hiệu”, bởi dáng người tầm thước, khuôn mặt chữ điền khắc khổ, nước da đỏ au, cùng giọng nói miền biển sang sảng của ông.
Chuẩn đô đốc Lê Bá Sổ quê miền biển Hoằng Hóa (Thanh Hóa), gắn bó với biển từ thuở lọt lòng, nên biển trong ông rất sâu nặng. Nhập ngũ tháng 2-1975, vào bộ đội đặc công, rồi cơ duyên đã khiến ông rẽ sang Hải quân ngay cuối năm đó, tốt nghiệp Trường sĩ quan Đặc công, ra trường làm chỉ huy đơn vị hải quân đánh bộ. Gắn bó với đơn vị cơ sở mấy chục năm, năm 2005, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Binh chủng của Quân chủng, rồi phát triển lên Phó tham mưu trưởng Quân chủng phụ trách khối Lục quân hải quân. Cũng từ đó, ông liên tục có những chuyến công tác ra các vùng biển đảo; đặc biệt là Trường Sa thì với ông, một năm chí ít cũng phải ra cỡ ba bốn lần, nhiều thì sáu, bảy lần.
Với tác phong “ngư dân” khoáng đạt, ông luôn làm cho ai tiếp xúc cũng có cảm giác thân thiện, dễ gần. Anh em cán bộ, chiến sĩ trên đảo gặp ông-một vị tướng, nhưng tôi không thấy vẻ gì là e dè, thậm chí… sợ, mà coi ông như người cha, người chú, người anh. Họ sẵn sàng đề đạt, thảo luận với ông ngay tại thực địa những vấn đề mà đảo đang cần tháo gỡ. Tôi thấy thật cảm động khi ngắm ông nắm tay, ôm vai mấy chiến sĩ trẻ trên đảo Thuyền Chài. Chụp được tấm ảnh tay trong tay rất tự nhiên giữa vị tướng cao niên và chiến sĩ Nguyễn Duy Mạnh, một khẩu đội trưởng ĐKZ còn rất trẻ, tôi xem lại và tự đặt tạm cái tên “Hai thế hệ, chung một lòng giữ biển”.
Nếu ai đó thấy Lê Bá Sổ có tác phong ngư dân chỉ quen “ăn sóng, nói gió” mà vội nhận định như thế thì nhầm, trái lại, tâm hồn ông thật lãng mạn, bởi mỗi khi có chương trình giao lưu văn nghệ ở trên tàu hay trên đảo, ông lại nhảy lên sân khấu ngẫu hứng đọc mấy câu thơ với ngập tràn cảm xúc bằng chất giọng xứ Thanh nằng nặng. Nhất là trong đêm giao lưu văn nghệ bên cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa Lớn, lúc đám trẻ em của đảo diễn xong tiết mục “Em yêu Trường Sa”, cả ông và Trưởng đoàn công tác Trần Thị Bích Thủy đều ùa lên sân khấu với các cháu. Và nếu ai nhận định cái vẻ khắc khổ, cứng nhắc bởi tác phong quân sự lúc nào cũng nghiêm ngắn của ông thì cũng sẽ là sai, bởi khi ông đọc lời tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Nhà giàn DK1, bằng chất giọng truyền cảm, nghẹn ngào đã lấy đi bao giọt nước mắt của người dự lễ, người ta mới thấy cái chất mềm mại giấu sau cái vẻ ngoài đó. Trên chuyến tàu này, ai cũng thấy ở ông, một vị tướng dáng vóc ngư dân, nhưng tâm hồn nghệ sĩ, và đặc biệt, ông là một người trọn đời quân ngũ gắn với biển đảo, coi “biển là nhà, đảo là quê hương”…

“Người đặc biệt” trên chuyến tàu ra đảo…
Tôi cứ tiếc mãi là biết anh quá muộn trong chuyến tàu này, bởi đến ngày cuối cùng sắp cập đất liền, tôi mới được người bạn vỗ vai bảo: “Anh đã gặp người cựu chiến sĩ Trường Sa sau ba chục năm trở lại chưa?”. Tôi ớ người, hỏi dồn, và khi nghe cái tên là tôi đã lập tức chạy đi tìm anh. Hóa ra tôi đã từng ăn cùng mâm với anh trong bữa nhập trạm ở nhà khách, vậy mà…
Đứng bên mạn tàu, trong sắc phục ngành Kiểm sát, bây giờ tôi mới thấy Chu Văn Truyền (hiện là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) vẫn với nước da nâu săn chắc, phong thái điềm tĩnh của người lính biển năm nào…
“Mới đó mà đã gần ba chục năm rồi anh ạ, kể từ tháng 11-1985, tôi xuất ngũ rời đảo trở về. Vậy mà quãng thời gian 2 năm 9 tháng trên đảo vẫn neo mãi vào trong tâm trí mình. Nhập ngũ tháng 2-1982, thì cuối năm đó, đơn vị có lệnh xuống tàu hành quân ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Sau chuyến vận chuyển hàng tiếp tế cho các đảo, đúng 30 Tết, tàu cập vào Trường Sa Lớn. Mình trở thành người lính đảo từ đó.
Đảo lúc ấy là bãi đá rộng mênh mông hầu như không có cây cối, chỉ vài cây phi lao, cây dừa nghiêng ngả ở mép nước. Rau muống biển nhiều vô kể. Nơi ở của bộ đội ngầm dưới lòng san hô, gọi là nhà “bán âm, bán dương”. Giường nằm là những tấm ghi lấy từ đường băng sân bay dã chiến của ngụy quân để lại. Một năm chỉ có vài ba chuyến tàu từ đất liền ra đảo, nên thiếu thốn đủ thứ. Cũng mỗi năm mới một hai lần nhận thư, báo. Mỗi lá thư đều được đọc chung nhau, đọc đi đọc lại đến nhàu nát. Nước ngọt khan hiếm lắm... Mỗi năm cũng chỉ có một lần văn công ra đảo. Mình cứ nhớ mỗi lần ra đón văn công từ xuồng cập mép nước, anh em lại cố tình kéo xô nghiêng xuồng để được đỡ và ôm eo các cô gái… Gian nan vất vả, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần như thế, nhưng anh em chúng mình như một gia đình lớn, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, đều một lòng quyết tâm giữ đảo, không để kẻ thù lăm le xâm phạm.
Theo niên hạn thì đáng lẽ đầu năm 1985 là mình được xuất ngũ. Nhưng phải đến cuối năm (tháng 11) mới có tàu chở quân ra thay, và mình mới xuất ngũ. Gần ba năm biền biệt nơi đảo xa, người bạn gái ở quê chỉ nhận được mỗi lá thư, có lẽ thế nên khi mình trở về gặp lại thì cô ấy đã có chồng sắp cưới. Nỗi buồn cũng thoảng qua nhanh, và mình cũng không trách cứ gì cô ấy được. Mình ôn thi đại học, đỗ Trường đại học Pháp lý, rồi trở thành một kiểm sát viên đến bây giờ…”.
“Vậy sau ba chục năm trở lại, chắc hẳn anh phải rất nhiều điều ấn tượng?”-tôi hỏi. Anh chợt tươi sau một hồi trầm lặng: “Biết có thành phần của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tham gia đoàn công tác, mình tìm cách để được đi cùng ra. Và tâm trạng thì khỏi phải nói nhiều. Đến lúc nhìn thấy đảo, dù đã được xem trên các phương tiện truyền thông, nhưng mình vẫn ngỡ ngàng bởi sự đổi thay đến kỳ diệu. Có lẽ dấu xưa còn lại chỉ là mấy cây phi lao già cỗi còn hiên ngang trước sóng gió từ thuở ấy mà thôi. Khi tiếp xúc với anh em ở đảo, mình rất mừng khi cuộc sống sinh hoạt bây giờ đã khá lên rất nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần. Trường Sa đã có điện chiếu sáng, có nhiều loại cây xanh phủ bóng mát, giếng khơi trên đảo nước đã ngọt hóa chứ không còn vị mặn chát như xưa. Mạng di động Vietel đã nối dài cánh sóng phủ kín khắp quần đảo để cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hằng ngày thông tin liên lạc thuận tiện với người thân ở đất liền. Người lính đảo không còn phải chịu cảnh mấy tháng trời mới được đọc thư nhà sau những chuyến tàu cập đảo như xưa… nhiều thứ mới lắm.
Từ một người lính Trường Sa, sau ba chục năm, anh đã phấn đấu không ngừng, trở thành người đứng đầu ngành Kiểm sát cấp huyện. Tôi hiểu, Trường Sa như một trường đào tạo khắc nghiệt để anh và bao đồng đội khi trở về vẫn coi đó như là “lưng vốn” quý báu để dù có bao khó khăn thử thách vẫn nhẹ nhàng vượt qua. Trên chuyến tàu của đoàn công tác ra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này, có lẽ anh là một “người đặc biệt” nhất, nhưng không phải ai cũng biết, bởi anh rất kiệm lời, không muốn kể nhiều về mình…
Nguyễn Hoàng Sáu