Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiểm tra hoạt động một số phần mềm quản lý đạn dược, vật tư tại Tổng cục Kỹ thuật.

Chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng là việc ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức quản lý, chỉ huy, điều hành các hoạt động quân sự, quốc phòng; duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và tổ chức chiến đấu. Chuyển đổi số trong Quân đội giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực quân sự quốc phòng. Vấn đề này đã và đang được Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) cũng như các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thực hiện tích cực.

TCKT là một trong ba đơn vị được Bộ Quốc phòng chọn là điểm về việc triển khai thực hiện chuyển đổi số. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Tổng cục có những khó khăn nhất định: Tổng cục đang quản lý một số lượng lớn các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đa dạng về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, được quản lý, cất giữ ở nhiều đơn vị khác nhau. Thứ hai là, các cơ sở kỹ thuật đóng quân trên phạm vi rất rộng, ở mọi miền Tổ quốc, với nhiều đơn vị ở vùng sâu, vùng xa nên việc triển khai kết nối đường truyền dữ liệu đến các đơn vị này là cũng khó khăn...

Thời gian qua, TCKT đã và đang triển khai một cách đầy đủ hướng dẫn về xây dựng Chính phủ điện tử, cũng như chuyển đổi số. Đã cụ thể hóa bằng các văn bản, kế hoạch của từng cấp, từng ngành. Tính đến nay, TCKT cũng đã ban hành hơn 50 văn bản để phối hợp, hướng dẫn, chỉ đạo việc triển khai chuyển đổi số.

Vừa qua, TCKT và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội đã ký kết chương trình hợp tác về chuyển đổi số. Trong đó, công cụ số hóa tài liệu, số hóa quy trình và quản lý kho tài liệu số được xác định là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số. Điều đó xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ do quản lý một số lượng lớn các loại vũ khí, trang bị của Tổng cục. Nhất là với mỗi loại vũ khí, trang bị lại đi kèm theo các bộ tài liệu. Mà hiện nay đó chỉ là tài liệu giấy. Để có thể sử dụng được nguồn tài liệu đó một cách hợp lý nhất, thì phải số hóa toàn bộ tất cả những tài nguyên này. Sau khi số hóa xong, phải tự động hóa các quy trình để sử dụng trên các tài liệu, dữ liệu điện tử. Đó là bước số hóa quy trình,  rồi được tập hợp vào kho tài liệu số để Tổng cục, các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ có thể khai thác, sử dụng được một cách thuận tiện. Số hóa dữ liệu, số hóa quy trình là hai bước đệm quan trọng cần thiết, không thể thiếu để bắt đầu quá trình chuyển đổi số.

Hạ tầng số được coi là yếu tố quan trọng, mấu chốt quyết định đến tiến độ, chất lượng triển khai chuyển đổi số. Hạ tầng số gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng về trung tâm dữ liệu, hạ tầng về các trang thiết bị máy móc, cảm ứng, cảm biến; hạ tầng về dữ liệu các nền tảng. Yếu tố then chốt này phải đi trước, đồng bộ trong toàn quân. Về vấn đề này, Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn -Phó chủ nhiệm TCKT cho biết: “Thời gian qua, TCKT phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tích cực đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng máy tính quân sự tại các cơ quan, đơn vị. Nhằm đáp ứng nhu cầu về khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, trong công tác quản lý và đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Tổng cục đã đạt được 80% kế hoạch đặt ra. Và dự kiến là đến hết tháng 10 sẽ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của năm 2023”.

Vấn đề bảo mật an toàn thông tin, phòng chống đánh cắp thông tin trên môi trường kỹ thuật số cũng là một thách thức khi thực hiện chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng cũng như với TCKT. Về vấn đề này, Thiếu tá Lê Thành Công - Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội cho biết: “Do các dữ liệu chủ yếu được lưu trữ trong máy tính và được truyền tải qua hệ thống Internet nên các tin tặc rất dễ lợi dụng các lỗ hổng bảo mật để chiếm đoạt thông tin, chiếm quyền điều khiển. Các thông tin về vũ khí, trang thiết bị đều là thông tin mật. Đối với tập đoàn, khi cung cấp các hạ tầng, các nền tảng, các giải pháp thì chúng tôi cũng đều tính toán rất kỹ đến yếu tố này. Với các thông tin về vũ khí, trang thiết bị, thì đương nhiên cấp độ an toàn thông tin phải là cấp độ 4 hoặc cấp độ 5. Tương ứng như vậy, sẽ phải có các giải pháp một cách đồng bộ, xuyên suốt”.

Cũng theo Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn, mục tiêu đề ra, đến năm 2025, TCKT sẽ có 100% văn bản trao đổi, được thực hiện bằng phương thức điện tử và ký số bởi chữ ký số chuyên dùng; 70% số cuộc họp được tổ chức trực tuyến và ứng dụng họp không giấy... Vào cuối quý III-2023, Tổng cục sẽ tổ chức đánh giá, để làm cơ sở triển khai áp dụng thống nhất trong toàn Tổng cục.

Để từng bước nâng cao trình độ công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, TCKT đẩy mạnh xây dựng nguồn lực con người cho quá trình chuyển đổi số. Trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tổng cục đã tổ chức hội nghị thông tin chuyên đề về chuyển đổi số tại cơ quan Tổng cục và 18 điểm cầu của các đơn vị trong Tổng cục; chủ động tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số và cử cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số do các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng tổ chức. Đồng thời biên soạn tài liệu hướng dẫn về công nghệ thông tin, về chuyển đổi số để các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục nghiên cứu học tập, tổ chức triển khai thực hiện. Những hệ thống Tổng cục cung cấp cho các đơn vị, đều có hoạt động là đào tạo, huấn luyện để các đơn vị trong Quân đội sử dụng được các hệ thống này. Tổng cục cũng tiếp tục đồng hành để đảm bảo các quá trình vận hành, khai thác ở các mức thấp hơn.

            Trường Giang