Hồi đó, để đảm bảo an toàn, đề phòng máy bay Mỹ oanh tạc, các phòng cưới chỉ được hoạt động về ban đêm, từ 19 giờ trở đi. Tôi công tác tại Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, còn cô dâu, vừa tốt nghiệp đại học Quân y, chuẩn bị đi nhận công tác. Đám cưới của bộ đội nên khách dự khoảng vài trăm người cũng toàn là bộ đội. Tiệc trà tuy chỉ có thuốc lá Tam Đảo, vài thứ bánh kẹo nhưng rất vui. Không khí liên hoan văn nghệ đang sôi nổi với bài hát “Chào em, cô gái Lam Hồng”, do ca sĩ Dương Minh Đức trình bày (lúc đó, anh đang là học viên Học viện Kỹ thuật quân sự, người thân quen của chú rể) thì tiếng loa từ phía chợ Hàng Da vọng lại, át cả giọng hát: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Từ giờ phút này, ai không có nhiệm vụ, phải sơ tán khỏi Thủ đô Hà Nội ngay trong đêm nay! Chúng tôi xin nhắc lại…”.
Đêm vui “ngắn chẳng tày gang” sau đó ít phút, lễ cưới của chúng tôi nhanh chóng kết thúc. Mọi người ra về, vừa mừng cho hạnh phúc của chúng tôi vừa lo lắng tới các trận đánh lớn giữa ta với không quân Mỹ. Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng; chúng tôi phải chia tay nhau, ai nấy về đơn vị, nhận công tác gấp, không có lấy “một ngày trăng mật”.
Thời ấy, chuyện này là tất nhiên thôi. Chúng tôi không trách cứ nhau mà còn động viên nhau tích cực công tác, góp phần nhỏ bé vào chiến công chung của cả nước đánh Mỹ. Chỉ hơn một tuần sau ngày cưới của chúng tôi thì trận “Điện Biên Phủ trên không” xảy ra. Cái đêm 26-12-1972 ấy không thể nào quên. Trời Hà Nội đỏ rực lên như một cái đèn khổng lồ. Hàng đàn máy bay B-52 lao vào rải thảm bom đạn. Máy bay ngả nghiêng chao đảo. Rạng sáng hôm sau, mọi người đổ xô về phía ngõ chợ Khâm Thiên. Ô Chợ Dừa, ngõ Trung Phụng, ngõ Thổ Quan và bệnh viện Bạch Mai. Trước mắt tôi, tất cả là gạch ngói đổ nát. Ống nước bị bom cắt đôi, nước chảy thành từng vũng; cột điện đổ ngổn ngang, cây ven đường bị lật tung gốc. Tiếng kêu khóc cứu người sập nhà, sập hầm nghe thật thảm thiết. Một số gia đình, bom địch bỏ trúng hầm, chết cả nhà 4 người, sáu người hoặc chín người… Tôi trở về đơn vị, viết bài phản ánh cho báo, cho đài phát thanh, nước mắt cứ trào ra, xót thương đồng bào mình và căm giận bọn giặc trời tàn bạo. Hình ảnh chiếc thiếp cưới của nữ bác sĩ Tường, bệnh viện Bạch Mai sẽ khôn bao giờ thực hiện được nữa, cứ day dứt mãi trong tôi. Những ngày tiếp theo đó, tôi liên tục đến các cơ quan, đơn vị: Đoàn không quân Sao Đỏ, Tự vệ nhà máy xay Thị Cầu, trận địa phòng không cầu Đuống, trường Sĩ quan Công binh… để viết hưởng ứng tháng “Thi đua làm việc bằng hai, trả thù cho đồng bào ở Khâm Thiên”. Còn vợ tôi, sau một số lần phục vụ chiến đấu ở các trận địa phòng không Hà Nội, đã cùng đồng nghiệp hành quân lên biên giới nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi hứa hẹn với nhau, phải làm tốt công việc được giao để góp phần chống Mỹ, cứu nước.
Do công việc, tôi không thể rời xa Hà Nội. Hằng ngày, qua lại nơi đây, mỗi ngọn cỏ, gốc cây, hè phố Thủ đô, từng gắn bó bao nhiêu kỷ niệm thời thơ bé, tôi thấy thiêng liêng, yêu quý biết chừng nào. Những ngày này, cùng với con người Hà Nội, những danh thắng Thăng Long đã che chở, thôi thúc, động viên và trực tiếp góp phần thiêu cháy hàng chục pháo đài bay và hàng trăm giặc trời khác. Trong niềm vui chung của dân tộc, có niềm vui riêng của chúng tôi. Vui vì trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất ở Hà Nội, không một ai chịu khuất phục trước sự hủy diệt của kẻ thù; vui vì tình đoàn kết khối phố được tăng cường, quên đi những va chạm vặt vãnh trong cuộc sống; vui vì nhiều duyên lứa trong đó có chúng tôi, đã thành gia thất ngay trong đạn lửa hiểm nguy…
Bình Nam