Đại diện Ban liên lạc CCB Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam trao tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho CCB Lê Thị Chiên, xã Định Hải, huyện Yên Định.

“Chúng tôi dằn vặt một nỗi đau!”

Chị Ngô Thị Nguyệt - Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa nói rất nhỏ, khi tôi hỏi về những kỷ niệm trên đường Trường Sơn.

Chị bảo rất nhiều kỷ niệm, nhưng chuyện về 2 đồng đội, cũng là 2 bạn đồng niên, đồng ngũ “con chấy cắn đôi” đều ở huyện Thạch Thành là Nguyễn Thị Tuyết (xã Thành Kim) và Vũ Thị Tuân (xã Thanh Bình) chết đuối trên sông Ba Lòng  thì không thể nào các chị quên được. Lần nào gặp nhau họ cũng nhắc đến và lần nào cũng như có hai bạn đang ở bên cạnh mình.

Chuyện thật thương tâm. Đó là một ngày cuối tháng 6-1974, Đại đội nữ Thanh Hóa - c613 (thuộc Trung đoàn 6, Sư đoàn 473, Đoàn 559) san lấp xong đoạn cua Chữ A, cung đường 14B, thì cũng vừa hết giờ buổi chiều. Về tắm trên sông Ba Lòng, Sen, Tuyết, Tuân chọn tắm ở góc khuất bến Ngó. Bỗng, Sen bị sểnh chân chới với giữa dòng nước. Tuyết và Tuân vội cứu bạn, lại cũng trượt chân trôi theo Sen. Đến lúc đơn vị biết thì chỉ kịp cứu được Sen!

Do đang rất khẩn trương thông đường phục vụ chiến dịch, nên ngay đêm đó đơn vị tổ chức tang lễ cho Tuyết và Tuân. Thiếu thốn đủ thứ, nhưng thương nhất là không tìm đâu được mấy mét vải màn mới để khâm liệm bạn...

“Nỗi thiếu thốn ấy cứ dằn vặt chúng tôi suốt mấy chục năm qua. Chắc nó sẽ còn dằn vặt chúng tôi mãi,  đến lúc mình không còn trên cõi đời này...!” - chị Nguyệt vừa nói, vừa đưa tay lau vội hai khóe mắt! Biết là chị đang rất xúc động tôi không dám hỏi thêm nữa.

“Bồ kết, xà phòng và vải màn ạ”

Chị Nguyễn Thị Mạnh, sinh 1953, quê xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có mặt ngay từ những ngày đầu mở đường 20 Quyết Thắng - thuộc đơn vị rà phá bom mìn d33, Binh trạm 14.  

Nhớ lại những ngày gian khó mở đường, chị Mạnh kể: Ngày nào cũng chứng kiến chết chóc, đổ máu, nhưng đêm đêm, cả đơn vị lại  bốc đá đổ ra ngầm, ngày thì gánh đá, trực ba-ri-e, bảo đảm thông đường trong mọi tình huống. Có những đêm giặc đánh bom, cả trung đội phải ngâm mình dưới nước ngầm Ta Lê nắm tay nhau làm cọc tiêu dẫn đường hộ tống cho xe qua, bảo đảm thông suốt cho tuyến đường. Nhưng khó khăn, gian khổ nhất của bộ đội nữ chúng tôi là không có nước sinh hoạt, không có xà phòng, bồ kết để tắm gội giặt đồ. Nhiều người bị nấm, tóc rụng thưa dần, thưa dần...  

Với những thành tích xuất sắc, Đội rà phá bom mìn suy tôn với bí danh: Hồng Như Mạnh... Và năm 1973, chị trong số chiến sĩ nữ công binh tiêu biểu được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường.

Hôm ấy Đại tướng ân cần hỏi các chiến sĩ gái: “Các cháu có đề nghị gì không?”.

Mọi người đồng thanh: Xin Đại tướng “Bồ kết, vải màn và xà phòng ạ”.

Đúng hai tuần sau, đơn vị nhận được 3 thùng hàng của Quân nhu gửi vào, gồm bồ kết, vải màn và xà phòng bánh.

“Thật là không thể tả hết sự sung sướng của chúng tôi khi được nhận “quà cho con gái” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh” - chị Nguyễn Thị Mạnh hào hứng kể.    

Lọn tóc kỷ niệm

Khác với nhiều chàng trai, cô gái khác, chị Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1950, quê ở thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đi TNXP khi đã 21 tuổi. Chị là Phó bí thư xã Đoàn, đảng viên kết nạp lớp Hồ Chí Minh đầu tiên và vinh dự được Đảng ủy xã cử đi chiến trường, giữ chức Trung đội trưởng Trung đội TNXP nữ Thanh Hóa. Nhưng điều đặc biệt khiến chị nổi trội chính là mái tóc dài, dày, đen óng, dài đến ống chân.  

Mái tóc dài quá cỡ đôi lúc cũng phiền hà, lấy mất không ít thời gian trong sinh hoạt hằng ngày của chị. Nhưng chưa bao giờ chị có ý định cắt tóc, cũng là do mái tóc “sao y bản chính” mái tóc của mẹ chị.

Cả thôn, cả xã, cả huyện, mà có lẽ cả tỉnh Thanh Hóa hiếm có người con gái nào có mái tóc dài và đẹp như mái tóc của chị. Chính vì thế mà vào chiến trường chị cũng quyết giữ mái tóc. Nhưng một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần... Nhất là đến khi bị sốt rét thì tóc chị cứ rụng dần, rụng dần. Thế là chị quyết định giữ lại hết những sợi tóc rụng làm kỷ niệm.

Vậy mà chỉ sau hơn một năm núi rừng Tây Nguyên đã “cắt” trụi mái tóc của chị - đồng nghĩa với dưới đáy ba lô một lọn tóc được kết lại cẩn thận to dần, to dần...

Chị giữ mái tóc và nó trở thành kỷ vật thiêng liêng, như sự thiêng liêng của thời xuân sắc - Với lời thề: “Khi đất nước gặp họa xâm lăng, phụ nữ cũng cần ra trận”.  

Bây giờ, các cô gái kiên cường, anh dũng trên đườngTrường Sơn ngày ấy, dường như càng thương quý nhau hơn trong tình đồng đội; lam làm xây dựng đời sống mới... Họ thật xứng đang là hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu trên quê hương Thanh Hóa Anh hùng.

VIÊN LAN ANH