Việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp; kiên quyết xử lý những vụ việc nổi cộm về vi phạm trật tự xây dựng và quản lý đất đai; tăng cường cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm,... thể hiện thái độ nghiêm túc của Thành ủy trong thực hiện Nghị quyết, góp phần xây dựng Ðảng bộ TP Hà Nội trong sạch, vững mạnh.

Kiên quyết x lý sai phm

Vụ việc 483 phôi "sổ đỏ" bị cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây làm thất lạc vào giữa năm 2012 đã khiến dư luận đặt những câu hỏi về bất cập trong công tác quản lý, cũng như trình độ, năng lực của cán bộ trong lĩnh vực này. Liên quan vụ việc này đã có tám cán bộ, trong đó có ba đảng viên bị xử lý kỷ luật. Ðây là một trong những vấn đề "nóng" tại hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng của Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây. Với thái độ cầu thị, nghiêm túc, hội nghị đã thẳng thắn phân tích khuyết điểm, hạn chế của tập thể và cá nhân Ban Thường vụ; chỉ ra yếu kém, lúng túng trong chỉ đạo quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; những bất cập trong điều động, bổ nhiệm cán bộ bộ phận này. Một số vi phạm trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại các xã: Cổ Ðông, Sơn Ðông, Ðường Lâm,... có nguyên nhân do sự thiếu quyết liệt của Ban Thường vụ Thị ủy trong xử lý vi phạm, làm cho sự việc thêm phức tạp và kéo dài. Ban Thường vụ Thị ủy nhận định, để xảy ra sai phạm, trách nhiệm trước hết thuộc cấp ủy viên phụ trách lĩnh vực, cán bộ của địa phương, đơn vị, nhưng cũng là bài học cần rút kinh nghiệm ngay trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và UBND thị xã. Do đó, một trong những việc cần làm ngay sau khi kết thúc hội nghị là chỉ đạo xử lý dứt điểm, đúng việc, đúng người đối với những sai phạm đã xảy ra; thực hiện quyết liệt các giải pháp ngăn ngừa sai phạm mới phát sinh.

Tháng 8-2012, sự việc hai hạng mục quan trọng là nhà Tổ và gác khánh Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ) bị xâm hại khiến dư luận vừa ngỡ ngàng, vừa bức xúc. Ngỡ ngàng là bởi vì di tích nghìn năm tuổi bị phá dỡ một cách ngang nhiên, tùy tiện; bức xúc là bởi sự việc xảy ra trong một thời gian dài, với sự tham gia của rất nhiều người, nhưng đến khi sự việc bị phát giác, các cán bộ địa phương, cán bộ ngành chức năng được hỏi đều trả lời "không biết". Ðây là một trong những nội dung quan trọng mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ kiểm điểm kỹ tại hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ nghiêm túc nhìn nhận, đây là bài học kinh nghiệm cần được kiểm điểm sâu sắc về công tác quản lý nhà nước đối với các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Huyện ủy đã chỉ đạo tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan. Trong đó, phê bình nghiêm khắc, thông báo công khai trong toàn huyện đối với đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách văn hóa - xã hội; khiển trách các đồng chí Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện; cảnh cáo tập thể UBND và cá nhân các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ văn hóa UBND xã Tiên Phương...

Những vi phạm trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, quản lý đô thị là nội dung kiểm điểm sâu của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và của hầu hết Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy trực thuộc, bởi đây là vấn đề nổi cộm của Hà Nội trong vài năm gần đây. Hàng loạt công trình vi phạm không được xử lý, hoặc xử lý dây dưa, thậm chí cố tình chây ỳ do có sự bao che của cơ quan chức năng,... gây bức xúc trong dư luận. Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và địa phương phải khắc phục tình trạng này. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2012, cơ quan chức năng đã quyết định đình chỉ thi công xử phạt hành chính, cưỡng chế phá dỡ hơn 2.100 công trình, trong số đó có những điểm "nổi cộm" như công trình số 55A- 55B phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm); sáu công trình xây dựng sai phép tại phường Bùi Thị Xuân, những công trình vi phạm trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng); hơn 70 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn quận Ðống Ða, hàng trăm trường hợp lấn chiếm đất công, đất nông, lâm trường tại các huyện Hoài Ðức, Sóc Sơn,... Các đơn vị xử lý kỷ luật, từ cảnh cáo đến bãi nhiệm, buộc thôi việc 142 cán bộ vì dính líu những sai phạm trong lĩnh vực này. Việc xử lý vi phạm rõ địa chỉ, đúng người, đúng việc đã góp phần cơ bản lập lại trật tự trong lĩnh vực này, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng.

Rà soát quy trình, xc li đi ngũ

Một nội dung khác cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu 12 sở, ngành của thành phố phải kiểm điểm sâu sắc là tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong giao tiếp, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức thành phố, nhất là những cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Kết quả điều tra xã hội học giữa năm 2012 tại bảy sở, ngành cho thấy, nhiều người dân chưa hài lòng khi đến làm các thủ tục hành chính, do phải đi lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần; trả kết quả sai hẹn; cán bộ hành xử không đúng mực khi giao tiếp, thậm chí gây khó khăn, vòi vĩnh... Sau khi kiểm điểm, các sở, ngành đã có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục hạn chế ở một số khâu. Sở Kế hoạch và Ðầu tư khắc phục tình trạng phê duyệt dự án BT và dự án đầu tư không phù hợp quy định, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp khắc phục những sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất dự án. Sở Nội vụ khắc phục "kẽ hở" trong thi tuyển công chức, viên chức, chất lượng giáo viên sau xét tuyển. Sở Xây dựng rà soát quy trình quản lý cấp phép xây dựng... Cho đến nay, chưa thể khẳng định tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, phức tạp đã hết, nhưng rõ ràng, sau kiểm điểm đã có chuyển biến bước đầu về nhận thức và trách nhiệm của tập thể, cá nhân cán bộ, công chức các đơn vị. Chuyển biến rõ nhất là thái độ, tác phong khi giao tiếp với doanh nghiệp, nhân dân; trách nhiệm trước công việc; ý thức phục vụ nhân dân được cải thiện, nâng cao hơn. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp phần nào giảm bớt, nhất là ở các đồng chí đứng đầu các cơ quan, các sở, ngành thành phố.

Không chỉ có các sở, ngành chức năng của thành phố siết chặt kỷ cương hành chính, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, mà các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã triển khai các giải pháp khắc phục những "lỗ hổng" lâu nay trong công tác tổ chức - cán bộ. Rút kinh nghiệm sâu sắc qua những sai phạm xảy ra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thị ủy Sơn Tây đã đề ra 11 nhóm giải pháp khắc phục những hạn chế, trong công tác quy hoạch, đào tạo, điều động, luân chuyển và quản lý cán bộ, công chức. Ðồng chí Nguyễn Quang Sơn, Bí thư Thị ủy cho biết: Sơn Tây đẩy mạnh phân công, phân cấp cho các cấp ủy và tổ chức đảng trong quản lý cán bộ, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức theo từng chức danh. Cải tiến quy trình quản lý thanh tra xây dựng xã, phường, đưa lực lượng này về cơ sở quản lý, để trực triếp theo dõi, phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm với cơ sở. Cán bộ, công chức làm việc theo cam kết để rõ trách nhiệm khi xảy ra sai phạm,... Hay như ở xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) sau sự việc Ủy viên Ban Thường vụ Ðảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã bị bãi nhiệm do sử dụng bằng giả - hậu quả của công tác cán bộ "chắp vá", làm giảm uy tín và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng; gây ảnh hưởng xấu đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ðảng ủy xã triển khai chương trình quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ một cách bài bản bằng nhiều biện pháp đồng bộ, như cử cán bộ xã tham gia các lớp đại học tại chức để nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, có chính sách thu hút người có trình độ đại học về làm việc tại xã...

Ðy mnh thc hin các gii pháp phòng nga

Quán triệt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, Ðảng bộ TP Hà Nội luôn xác định, đồng thời với việc xử lý sai phạm, giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, là việc triển khai các giải pháp có tính "phòng ngừa" vi phạm nhằm đẩy lùi các biểu hiện suy thoái một cách triệt để. Một trong năm nhóm giải pháp mà Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy thực hiện là đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thời gian gần đây, dư luận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước rất quan tâm một số chủ trương của Thành ủy Hà Nội về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Nổi bật nhất là Chỉ thị số 11 về tổ chức cưới vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Một số cán bộ đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo ban, ngành của thành phố thực hiện đúng quy định, làm gương cho cấp dưới noi theo. Tại một số huyện như Từ Liêm, Chương Mỹ, Ba Vì, việc triển khai thực hiện việc cưới văn minh được lồng ghép với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Một trong những điểm nhấn thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng của Hà Nội là việc đi đầu thí điểm lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và một số chức danh chủ chốt của thành phố. Ðây là Ðảng bộ đầu tiên trong cả nước tiến hành thí điểm việc này. Tiêu chí để đánh giá, nhận xét cán bộ tập trung vào hai tiêu chí cơ bản là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ. Sau khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố, Thành ủy đang tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt bảy sở, ngành được coi là "nhạy cảm", thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp, đó là các sở: Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Ðầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an TP Hà Nội. Căn cứ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Thành ủy sẽ chỉ đạo tổ chức đánh giá sơ kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình, mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn thành phố.

Ðể đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa vi phạm kỷ luật Ðảng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Ðề án tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên diện cấp ủy quản lý, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ của tổ chức đảng; xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm. Trước mắt, trong năm 2013, Thành ủy Hà Nội lập đoàn kiểm tra, giám sát việc khắc phục các vấn đề tồn đọng của các Ðảng bộ trực thuộc Thành ủy sau kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng.

Ðồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá: Việc triển khai công tác chỉnh đốn Ðảng trong năm 2012 mới chỉ đạt kết quả bước đầu. Năm 2013 và những năm tiếp theo, Thành ủy Hà Nội tiếp tục thực hiện cụ thể, rõ nét hơn, trọng tâm là tập trung sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả của việc sửa chữa khuyết điểm phải được thể hiện bằng sự tiến bộ của cán bộ, đảng viên, của từng tập thể, bằng chất lượng công việc cụ thể hằng ngày trong phục vụ nhân dân.

Hy vọng trong thời gian tới, Ðảng bộ TP Hà Nội tiếp tục là Ðảng bộ gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội của Thủ đô, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, xứng đáng niềm tin yêu, sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Theo NDĐT

(TH)