**Hiệu quả cao **
Chỉ tính riêng năm 2008, với 10,5 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đà Bắc đã triển khai xây dựng được 41 phòng học và 40 nhà công vụ cho giáo viên (ảnh). Cho đến nay 100% số phòng trên đã được đưa vào sử dụng, giúp giáo viên yên tâm giảng dạy và các em học sinh yên tâm học tập.
Ông Xa Quốc Sự, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đà Bắc cho biết: “Tôi về huyện Đà Bắc công tác được nhiều năm, những ngày đầu khi mới về nhận công tác, nhiều trường, lớp đa phần là tranh, tre, nứa, lá. Giáo viên phải sống tạm trong những ngôi nhà tranh vách đất, học sinh phải học trong những ngôi nhà tranh do người dân dựng tạm. Học sinh không muốn đi học, giáo viên bỏ dạy vì nhà xa và điều kiện sinh hoạt khó khăn”.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhờ nguồn vốn kiên cố hóa (KCH) trường, lớp học của Chính phủ cũng như các chương trình trợ giúp khác của Nhà nước đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chất lượng dạy và học nơi đây. Ông Xa Quốc Sự cho biết thêm: “Nếu không có nguồn vốn này của Nhà nước thì không biết bao giờ Đà Bắc mới xóa được hết phòng học tạm và xây được nhà công vụ cho giáo viên”.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục - Đào tạo năm 2009, từ nguồn vốn của chính phủ và của tỉnh Hoà Bình với số tiền được phân bổ trên 11 tỉ đồng, Phòng Giáo dục Đà Bắc đưa vào triển khai, xây dựng thêm 20 phòng học và 98 phòng công vụ giáo viên. Với quyết tâm cao, sự đồng thuận của các cấp, ngành trong huyện, 9 tháng đầu năm đã có 10 phòng học và 80 nhà công vụ cho giáo viên được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 10 phòng học và 18 nhà công vụ khác cũng đang được gấp rút xây dựng với mục tiêu đề ra đến hết tháng 12-2009, các công trình sẽ hoàn thành và đưa vào phục vụ các em học sinh và giáo viên.
Khi đi thực tế một số trường, nhìn các phòng học đang được sơn ve sắp đưa vào sử dụng, cô giáo Bùi Thị Hoa, Hiệu trưởng trường mần non Tu Lý nói: Nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, ngành trong tỉnh và huyện; đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Phòng Giáo dục, nên đời sống của các giáo viên nhà trường được nâng cao, các em học sinh có điều kiện học tập tốt, tiếp cận được với thiết bị vui chơi, giảng dạy hiện đại. Có nhà công vụ kiên cố nên tình trạng giáo viên “không chịu” về đây dạy đã được khắc phục. Tôi về đây gần 20 năm rồi nhưng cũng đã phải chứng kiến nhiều giáo viên ra đi vì do điều kiện sống còn khó khăn, biết bao học sinh không chịu đến lớp… Nhưng giờ đây những vấn đề trên đã được khắc phục. Tập thể giáo viên của trường xin đem hết sức của mình để giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh để không phụ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và sự tin tưởng của nhiều phụ huynh học sinh.
**Cần giải pháp đồng bộ **
Đến nay, đề án xây dựng KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên vẫn chưa đi được một nửa chặng đường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, từ nay đến năm 2012, huyện Đà Bắc, Phòng Giáo dục Đà Bắc còn nhiều việc để làm nhằm hoàn thành mục tiêu của Chính phủ và của tỉnh giao cho. Mặc dù vậy, sau 2 năm triển khai đề án đã nảy sinh ra nhiều điểm cần khắc phục, trong đó rất cần sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo cấp trên. Ông Nguyễn Hữu An, Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đà Bắc, uỷ viên Ban quản lý đề án KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên, chia sẻ: “Trong đề án, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền xây dựng. Chi phí cho giải phóng mặt bằng do huyện và nhân dân cùng góp làm, lại là huyện nghèo nên trong thời gian qua khi thực hiện đề án gặp phải một số khó khăn nhất định…”.
Cũng theo báo cáo, do ngân sách của huyện vẫn còn hạn chế nên khâu giải phóng mặt bằng các dự án KCH trường, lớp học gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến chậm trễ trong xây dựng. Tiền cấp rót cho công trình còn chậm nên xảy ra tình trạng công trình xây dựng xong nhưng không bàn giao được. Đặc biệt, trong thiết kế mẫu nhà công vụ cho giáo viên và các hạng mục phụ trợ có một số điểm chưa hợp lí cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, các công trình NCV cho giáo viên kết cấu mái không đổ bê tông, chỉ lợp tôn, chống nóng bằng trần nhựa nên rất nóng, nhất là vào mùa hè. Khu vệ sinh bếp đun được bố trí khép kín, tuy nhiên thiết kế mẫu lại không có hệ thống cung cấp nước vào khu vệ sinh. Mặt khác, hiện tại rất nhiều trường học chưa có, hoặc rất khan hiếm nguồn nước sạch. Ngoài ra, không gian bếp đun (đun củi) rất chật hẹp và không hợp lí…
Rất nhiều giáo viên và học sinh cho rằng: Ngoài việc đầu tư phòng học, NCV thì nên đầu tư thêm sân trường, tường bao, nhà vệ sinh, nguồn nước sinh hoạt… cho đồng bộ công trình.
Hy vọng rằng với ai đã từng và hãy nhiều lần đến vùng cao Đà Bắc, một lần qua những dãy phòng học được đầu tư từ chương trình KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên sẽ thấy cảnh các em học sinh chăm chú nghe giảng, giáo viên say sưa giảng bài và khi ra về sẽ vui mừng nghĩ rằng: Một tương lai đẹp sẽ đến vùng đất này...
HỮU DOANH