Các quan chức tham dự cho hay, tiến trình có thể đạt được, nhưng một thoả thuận quốc tế dường như phải chờ tới cuộc gặp năm 2010 tại Mexico.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, nước bà đã chuẩn bị cho nỗ lực làm việc hướng tới khả năng huy động 100 tỉ USD/năm quỹ khí hậu dành cho các quốc gia đang phát triển.
Chủ trì hội nghị, Đan Mạch, đã từ bỏ kế hoạch đưa ra tài liệu dự thảo trong hôm nay (17/12) sau khi vấp phải sự phản đối của nhiều nước đang phát triển.
Một nguồn tin nói với báo Politiken của Đan Mạch rằng: "Chúng tôi đã tranh đấu và sẽ không từ bỏ, chúng tôi cần sự giúp đỡ của lãnh đạo thế giới. Họ cần đưa ra số tiền như họ cam kết, nếu không sẽ rất khó khăn”.
Các quốc gia phát triển và đang phát triển vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh nước nên cắt giảm, lượng cắt giảm khí thải và khả năng viện trợ cụ thể cho những nước nghèo.
Tuy nhiên, hội nghị ít nhiều đã có tiến triển khi các nước giàu cam kết những quỹ mới cung cấp cho các nước nghèo đối phó với thay đổi khí hậu.
Hôm nay, bà Clinton đã nói với các đại biểu: "Trong bối cảnh có sự nhất trí cao của hầu hết các nền kinh tế lớn cam kết hành động hiệu quả, Mỹ đã chuẩn bị làm việc với những nước khác để hướng tới mục tiêu huy động 100 tỉ USD/năm nhằm đáp ứng yêu cầu cần thiết từ các nước đang phát triển”.
Ít nhất 130 nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ tham gia cuộc họp trong hôm nay, với hy vọng có được một thoả thuận khí hậu mới vào ngày mai.
Phát biểu trước hội nghị, Thủ tướng Australia Kevin Rudd nói, ông lo ngại về “một thành công về mặt hình thức hơn là thực tế” tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ.
Quan chức khí hậu hàng đầu của LHQ Yvo de Boer nói với báo giới rằng, các đại biểu sẽ xem xét về hai nội dung đàm phán gồm: xem xét mục tiêu cắt giảm khí thải hơn nữa của các nước phát triển (ngoại trừ Mỹ) vào 2020, hai là cam kết của tất cả các nước trong khả năng đối phó với biến đổi khí hậu.
Hạn chế lượng khí thải ở một mức tương quan nhằm giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C là mục tiêu của những nước lớn tham gia hội nghị. Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển lại mong muốn lượng khí thải được cắt giảm ở mức tương quan với nhiệt độ trái đất tăng 1 hoặc 1,5 độ C. Nguồn BBC, AP A.Hoàng