Rất nhiều nước trên thế giới sau sự cố Chernobyn năm 1986 và sự cố Fukushima mới đây đã từ bỏ chương trình điện hạt nhân, nhưng sau một thời gian các nước lại thấy rằng, vẫn chưa có con đường nào khác có thể thay thế điện hạt nhân và họ lại tái khởi động chương trình điện hạt nhân.
Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Việt Nam theo tổng sơ đồ điện là rất lớn trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch và tái tạo không đáp ứng được. Dầu mỏ hiện nay của Việt Nam mới đáp ứng nửa nhu cầu, vẫn phải nhập khẩu. Than trong quá khứ xuất khẩu với tốc độ rất nhanh, nhưng từ năm 2011 bắt đầu phải nhập khẩu than, đến năm 2020 lượng than nhập khẩu còn lớn hơn lượng than sản xuất ra.
Theo người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các nguồn năng lượng gió, mặt trời, sóng biển, địa nhiệt được phát triển, song các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo quy mô rất nhỏ, giá thành cao, người dân sẽ không chịu được giá của nhà máy điện gió hay năng lượng mặt trời.
Cũng theo Bộ trưởng, tại các nước phát triển, điện hạt nhân có thể không chiếm tỷ trọng lớn, họ có thể đóng cửa các nhà máy và tìm các nguồn năng lượng khác thay thế. Nhưng các nước phát triển lại có đủ tiền mua dầu mỏ từ Trung Đông, mua than từ quốc gia khác, mua khí nhiên nhiên từ Nga. Còn với Việt Nam, những yếu tố đó là bài toán chưa thể giải đáp.
Tiến sĩ Quân khẳng định, Việt Nam vẫn kiên trì theo con đường phát triển điện hạt nhân, vấn đề ở chỗ, Việt Nam sẽ yêu cầu các đối tác phải nâng mức độ an toàn lên cao hơn, và trong quá trình khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy, cần thận trọng hơn.
Bộ trưởng Quân hy vọng trong tương lai sẽ có công nghệ khác, nguồn năng lượng khác thì Việt Nam không phải tiếp tục phát triển điện hạt nhân.
Đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, việc xây dựng nhà máy sẽ do người Việt Nam đảm nhiệm, nhưng sẽ phải thuê tư vấn giám sát nước ngoài, nhất là cơ quan có kinh nghiệm nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Việt Nam đã có chương trình hợp tác, tìm kiếm đối tác, trước mắt thuê chuyên gia tư vấn trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế cũng như báo cáo đầu tư của các chủ đầu tư cũng như của các nhà thầu.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam dự kiến đặt tại tỉnh Ninh Thuận, gồm hai nhà máy có tổng công suất 4.000 MW. Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công năm 2014 và bắt đầu phát điện năm 2020. Dự kiến, năm 2015 sẽ triển khai tiếp nhà máy điện Ninh Thuận 2. Nhà máy điện Ninh Thuận 1 sẽ do phía Nga xây dựng.
Quỳnh Anh (TH)