Kiểm tra chốt phòng dịch Đồn Biên phòng Bắc Sơn.

Điểm cao 1297 - điểm chốt cuối cùng của đồn Biên phòng Bắc Xa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lạng Sơn. 18 giờ ngày 21-3-2020, màn đêm sập xuống rất nhanh. Mưa quất rát mặt. Gió phần phật đập vào tấm bạt lợp trên căn lán dã chiến. Trong gian bếp nhỏ, chiến sĩ Lì Lòng Xè lui hui bên ông đầu rau. Anh là học viên thực tập K22 - Học viện Biên phòng mới được tăng cường lên chốt. Thiếu tá Trịnh Công Sơn - nhân viên phiên dịch tiếng Trung Quốc của Đồn Bắc Xa nói với chúng tôi trong tiếng gió rít từng cơn:

- Trước đây lều ở bên đối diện kia. Khi dựng lên đã chằng rất kỹ nhưng do đúng luồng gió nên bị tốc xé làm bốn năm mảnh. Sau đó Huyện đội Đình Lập chở gỗ lên và anh em đi lấy cây ở rừng dựng thành cái lều chắc chắn. Trên độ cao 1.020m, sương mù thường xuyên, trừ khi vào mùa hè ngày nào trời quang mây tạnh mới nhìn thấy mặt người.

Câu chuyện của chiến sĩ Biên phòng nhanh chóng trở nên thuyết phục, bởi những cái áo khoác của chúng tôi chỉ dành để mặc trong những ngày đại hàn ở nơi phố thị, giờ đây cũng trở nên mong manh trong gió mưa biên giới. Rùng mình trước cái lạnh mỗi khi những cơn gió ào về, lại thương đến tận tâm can những chiến sĩ trong cái đêm gió xé căn lán làm nhiều mảnh...

Chẳng riêng điểm chốt 1297, suốt dọc đường biên giới phía Bắc từ đầu mùa chống dịch, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ở 535 điểm chốt đều gồng mình như thế. Câu chuyện của Thiếu tá Hoàng Mạnh Cường - Đội phòng chống ma túy và tội phạm của Đồn Biên phòng Chi Ma, ở điểm mốc 1228 đong đầy những nỗi niềm:

- Anh em chúng tôi chưa bao giờ trực Tết dài như thế này. Gia đình vợ con vẫn để phần bánh chưng đợi tôi về ăn.

Câu nói vui trong muôn ngàn gian khó này càng làm chúng tôi hiểu bản lĩnh, quyết tâm của anh em cao đến mức nào. Đường biên giới rộng dài, nhiều điểm rất xa khu dân cư. Nhiều chốt không điện, không nước. Nhiều cái nhà bạt tưởng kiên cố, vững chắc là vậy, cũng bị gió bốc đi. Mưa dầm, sương nặng, quần áo giặt cả tuần mới khô. Những khi nước chưa được chở kịp từ đồn ra, có khi mấy ngày mới được một lần tắm. Có cái lán được dựng lên cách hàng rào nước bạn chỉ chừng vài chục mét. Lán nằm dưới chân đồi, mưa xối xuống khiến trời đã lạnh, càng lạnh, đất đã ẩm, càng ẩm ướt. Đêm, trời lạnh, không ngủ được vì tiếng cú kêu, vẫn phải lắng trong âm thanh của rừng những tiếng động lạ để không để sót mục tiêu. Nhiều bữa cơm dã chiến phải bỏ dở vì phát hiện người nhập cảnh trái phép hằng ngày trong hai tháng qua. Nhiều điểm chốt, bộ đội trồng rau ngắn ngày, đã được thu hoạch đợt đầu.

Trong giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải tiếp tục rà soát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng nhằm phát hiện nguồn lây bệnh, người có nguy cơ để có giải pháp kịp thời. Theo Thiếu tá Đặng Nam Cao - Đồn trưởng đồn Biên phòng Chi Lăng, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn, lúc này, với những người lính vùng biên, sự gắn bó với bà con dân bản càng trở nên cần thiết:

- Cùng với tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch, chúng tôi cũng thường xuyên nắm tình hình địa bàn, tình hình bà con tại khu vực biên giới. Khi phát hiện có người Việt Nam đi Trung Quốc lao động trở về, chúng tôi chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đưa xe vào để đưa bà con đi cách ly theo quy định. Nếu thấy bà con có biểu hiện ho, sốt thì phối hợp với y tế xã xuống phát khẩu trang, phun khử trùng và đưa đi khám và sàng lọc cách ly.

Chốt chặt vòng ngoài, triệt để vòng trong, phòng chống dịch với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất, BĐBP đã xác định thực hiện nhiệm vụ chống dịch như bước vào một trận đánh. Nhớ lại câu chuyện của Đại tá Nguyễn Thanh Hải - Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi phần nào hiểu được vì sao ở mỗi điểm chốt trên toàn tuyến biên giới, mỗi chiến sĩ có được bản lĩnh, quyết tâm ấy. Ở Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh, Sở Chỉ huy tiền phương đã được thành lập. Đại tá Đặng Toàn Quân - Chỉ huy trưởng đã ra chỉ đạo trực tiếp ngoài biên giới.

Trên tuyến đầu chống dịch, với sự phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng BĐBP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngăn chặn được hàng nghìn lượt người xuất nhập cảnh qua lại các đường mòn, lối mở; tiếp nhận, quản lý công dân từ nước ngoài trở về, đưa về khu cách ly của địa phương, không để dịch bệnh lan rộng từ nước ngoài về nước qua đường bộ tuyến biên giới phía Bắc. Đại tá Ninh Văn Hợp - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Lạng Sơn khẳng định:

- Chúng tôi coi phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chiến đấu của BĐBP và xác định trách nhiệm, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Chính từ quyết tâm như thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu vì sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng cho nên cán bộ, chiến sĩ chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ biên phòng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Từ điểm cao 1297 về Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh, sương mù bao tứ phía khiến tầm nhìn chỉ hơn 1m. Nhiều đoạn, xe chúng tôi phải thận trọng nhích từng mét trong đêm qua những khúc cua nghẹt thở. Song nghĩ đến những ngày bám trụ của những chiến sĩ can trường nơi đây, tôi bỗng thấy cái mệt, cái đói, nỗi lo của mình trở nên nhỏ bé. Những cái tên như Đồn Biên phòng Chi Ma, Chi Lăng, Bắc Xa, Hoành Mô, Quảng Đức, Pò Hèn... từ lạ bỗng thành thân quen, giờ mới đến lần đầu mà như thể đã từng gắn bó từ bao giờ. Ở những điểm chốt ấy, có nơi đến nay đã phát hiện được hàng trăm người xuất nhập cảnh trái phép để đưa về khu cách ly. Chốt nọ kề chốt kia, hỗ trợ cho nhau, tạo thành thế liên hoàn khép kín.

Đặc biệt, khi cuộc chiến vẫn chưa biết ngày kết thúc, thì trên dải biên thùy trùng điệp, hùng vĩ và thiêng liêng này, những cái lán dã chiến vẫn hiện diện trên tuyến đầu chống dịch.

Hồng Linh, Nguyên Nhi