Công bố thường niên "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy  tỉnh Quảng Ninh lần thứ 6 tiếp tục đứng đầu TOP 10; “đội sổ” là Cao Bằng. Đáng lưu ý là Hà Nội xếp thứ 20 và T.P Hồ Chí Minh xếp thứ 27.

Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam và do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI cùng hợp tác thực hiện.

Trong 10 nội dung để đánh giá một địa phương có “chất lượng điều hành tốt”, chúng ta thấy có công khai minh bạch - bộ máy chính quyền ở đó chuyển hướng từ tư duy “cai trị”, “quản lý” sang “tư duy phụng sự”.

5 năm gần đây (2018-2023), nếu chúng ta quan sát sẽ thấy phương châm hành động của Chính phủ đều thể hiện “tư duy phụng sự” và coi trọng hiệu quả. Nhất là năm 2022, đượt coi là năm thành công của Chính phủ trong điều hành; có tác động truyền cảm hứng tới các địa phương về tinh thần hành động “nói đi đôi với làm”;  nhất là 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), ngay cả trong lực lượng vũ trang, đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Rồi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan trong bộ máy nhà nước là bước chuyển lớn. Ví dụ, cứ sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư ra thông báo kết luận về việc nào đó, lập tức các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, rồi Quốc hội, các cơ quan dân cử tiến hành ngay các thủ tục bãi nhiệm những người có dấu hiệu tham nhũng trước khi phải xem xét kỷ luật, hoặc truy tố.  

Phải thấy rằng công cuộc PCTNTC của Đảng ta đã theo đúng quy định của pháp luật, không làm co lại mà chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Hay nói cách khác, PCTNTC cũng đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của cả nước, cũng như ở các tỉnh, thành phố.

Đồng thời hơn 16 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng ta có rất nhiều văn bản, nghị quyết về chỉnh đốn Đảng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa... Năm 2012, Bộ Chính trị có Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; năm 2018, Bộ Chính trị ban hành tiếp Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành T.Ư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư.

Tuy nhiên, qua chỉ số PCI vừa công bố cho thấy môi trường kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là còn nhiều “nút thắt”, trong đó có “chi phí không chính thức” doanh nghiệp phải trả là rất lớn!

Vậy tại sao? Vấn đề yếu nhất vẫn là đưa văn bản vào cuộc sống và cơ chế thực thi, giám sát không hiệu quả. Ví dụ, chưa ai trả lời được vấn đề các đối tượng trong diện phải kê khai tài sản đã thực chất chưa? Phải nói ngay là chưa thực chất, nhưng lại chưa có cơ chế nào kiểm soát được thu nhập ngoài lương, nhất là bất động sản của cán bộ, trong khi cán bộ lại không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình. Chắc chắn, số cán bộ có chức, có quyền chỉ hình thành nên tài sản cá nhân từ “chi phí không chính thức”.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao giám sát được giữa lời nói và việc làm, với tinh thần, chức vụ càng cao càng phải nêu gương?

Từ lâu cán bộ có chức, có quyền đã phải thực hiện “kê khai tài sản” với tổ chức; có cơ chế giám sát (từ giám sát của hệ thống MTTQ xã, phường trở lên, đến sự giám sát của nhân dân ở cơ sở và báo chí..., nhưng tại sao sai phạm của cán bộ có chức, có quyền ngày càng nghiêm trọng, vụ sau to lớn hơn vụ trước. Điều đó cho thấy một tỷ lệ không nhỏ cán bộ, đảng viên phẩm chất đã “biến thái”, nhất là không trung thực, trong khi cơ chế giám sát lại nặng về hình thức.

Trong tình hình hiện nay, để cán bộ trong bộ máy nhà nước ở T.Ư và các địa phương “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, cần phải xây dựng được thể chế luật pháp; thay đổi căn bản cơ chế giám sát. Nói hình ảnh như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đó là “lồng luật pháp”. Đáng tiếc, năm 2018, khi thảo luận sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, Quốc hội bỏ điều khoản xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc ra khỏi luật, cho thấy ta đang “nặng” về giáo dục, học tập, còn thể chế hóa bằng luật thì lúng túng, không đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quyết tâm chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ, đang tạo ra những cú huých mới để thực hiện, đẩy nhanh hơn, mở rộng hơn các nội dung công khai minh bạch. Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số... về mặt bản chất, gần gũi với công khai minh bạch.

Chỉ khi nào thu nhập của cán bộ được kiểm soát, không còn ai dám tiêu “tiền bẩn” thì may ra mới loại bỏ được “chi phí không chính thức” đã và vẫn đang “bào mòn” sức lực của doanh nghiệp.

Để có chuyển đổi thực sự phải có “tư duy minh bạch”, theo nghĩa liêm chính, phụng sự, kiến tạo. Lúc đó PCI mới thực sự chuyển biến về chất.

Từ Tâm