Ngày 15-8-2019 này, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ chính thức có hiệu lực. Đông đảo người dân Việt Nam đều hy vọng, Nghị định số 59 sẽ là “vũ khí” pháp lý có đủ sự sắc bén để các cơ quan chức năng sử dụng chống “giặc nội xâm” tham nhũng vốn đã ăn sâu bám rễ, gây ra biết bao hậu quả đau lòng, “gặm nhấm” niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ ta suốt nhiều năm qua…

Trong phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng ngày 26-7-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Chống tham nhũng, ai dao động, ngập ngừng thì tự báo cáo xin thôi”, “Chống tham nhũng không được chùng xuống, không được ngơi nghỉ”...

Tổng kết của các cơ quan chức năng cho thấy: 6 tháng đầu năm 2019, số vụ tham nhũng bị phát hiện tăng 13,5% , số bị can tăng gần 33%. 123 tổ chức Đảng, hơn 7.900 đảng viên vi phạm; trong đó 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái, tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018. Nghiêm trọng hơn, trong nửa đầu năm 2019, có 1 tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức, cả nghỉ hưu đã bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật. Con số này đã nối dài danh sách số cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật suốt từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn. Quà tặng không đúng quy định phải từ chối, không từ chối được, phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định. Nội dung nêu trên được Nghị định số 59/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15-8) quy định cụ thể: Về việc tặng quà (Điều 24), về việc nhận quà tặng (Điều 25), Điều 26 (báo cáo, nộp lại quà tặng), Điều 27 (xử lý quà tặng) và Điều 28 (xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng).

Các quy định này của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thể hiện rõ hơn thái độ và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhằm khắc phục sự không đồng bộ, thiếu chặt chẽ và không khả thi của các quy định trước đây về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng; phân định rõ ranh giới giữa quà tặng và tài sản hối lộ; tách bạch quà tặng thông thường với quà tặng có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ của người nhận quà; quy định đầy đủ, cụ thể về trình tự báo cáo, nộp lại quà tặng; chế tài xử lý đối với quà tặng là những lợi ích phi vật chất và đối với cán bộ, công chức vi phạm.

Tuy nhiên, tính khả thi và hiệu quả của Nghị định số 59 là vấn đề mà rất nhiều người còn băn khoăn. Bởi vì, từ xưa đến nay, việc từ chối, nộp lại quà tặng chủ yếu phụ thuộc vào đạo đức, sự tự giác và ý thức của người được tặng; việc tặng quà cho quan chức đã thành nếp “văn hóa” của cán bộ, nhân viên cấp dưới cũng như người dân, doanh nghiệp; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở ta chưa nhạy bén và hiệu quả; việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng tính hình thức; cơ chế ban phát, xin - cho, sự độc quyền trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn tồn tại; những công cụ hỗ trợ để giám sát, phát hiện kịp thời các hành vi vòi vĩnh, nhận quà sai quy định chưa hiệu quả... Chừng đó lý do có thể khiến Nghị định số 59 trở thành “vũ khí tốt” nhưng khó sử dụng.

Vì lẽ đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thiết lập cơ chế phối hợp hoạt động kiểm soát có hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức và các cơ quan pháp luật; tăng cường vai trò kiểm soát từ các đoàn thể, tổ chức xã hội; sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhân dân nhằm phát hiện chính xác, kịp thời, đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc xử lý nghiêm minh mọi hành vi tặng quà, nhận quà tặng không đúng quy định. Chỉ có như vậy, Nghị định số 59 mới thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên bước đột phá trong cuộc chiến chống tham nhũng đang vào hồi gay go, quyết liệt hiện nay.

Nguyễn Hồng