Việt Nam và Hoa Kỳ vừa quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên mức độ cao nhất, là “Đối tác chiến lược toàn diện”.  

Nhưng cũng ngay sau sự kiện này, các thế lực thù địch với cách mạng nước ta đã lập tức “uốn bút” tìm cách nói xa, nói gần, cố tình bóp méo sự thật, rồi tung hô trên mạng xã hội với những cụm từ đi ngược lại với đường lối ngoại giao của Đảng ta, như “Việt Nam có đối tác mới”; “Việt Nam dùng hổ đánh hổ”; “Hãy cảnh giác với ngoại giao Việt Nam”...!

Đương nhiên, sự thật không phải như thế. Chính sách đói ngoại của Việt Nam “là thêm bạn, bớt thu”. Ngay với Mỹ, từ năm 1941, khi thực dân Pháp lúc đó là “đối tượng” của cách mạng Việt Nam thì Mặt trận Việt Minh, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh đã liên hệ với Cơ quan Dịch vụ Chiến lược Hoa Kỳ - tiền thân của Cơ quan tình báo T.Ư Hoa Kỳ - CIA... để ngày 17-10-1945, “Việt - Mỹ thân hữu Hội” đã được thành lập (lúc này Mỹ là đối tác của Việt Nam) - đây là Hội Hữu nghị song phương đầu tiên của Nhà nước Việt Nam non trẻ. Ngày 16-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ - Harry Truman, có đoạn viết: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ...”.

Tuy nhiên, không chấp nhận một nước Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Pháp, tiếp đó là Mỹ đã nổ súng xâm lược. Các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dân tộc ta đã đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược, giải phóng đất nước vào ngày 30-4-1975 (lúc đó Mỹ trở thành đối tượng của cách mạng Việt Nam).

Ôn lại một quãng lịch sử hai nước để làm rõ quan điểm đối ngoại của Việt Nam, trước sau như một vẫn xác định “đối tác”, hay “đối tượng” là dòng chảy xuyên suốt trong chiều dài lịch sử đất nước, với tư tưởng hòa hiếu, của ông cha đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng linh hoạt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tư duy mới.

Ví dụ như trước đổi mới (1986) mối quan hệ với các nước XHCN là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ đối ngoại với Việt Nam. Sau đổi mới, xác định đúng đắn tầm quan trọng của quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng cùng khu vực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư duy về đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng được định hình ngày một rõ nét và liên tục phát triển, hoàn thiện.

Sự nghiệp xây dựng đất nước, sau nhiều thử nghiệm các mô hình xã hội… trong đó có mô hình xã hội XHCN kiểu cũ - tập trung quan liêu bao cấp - “ngăn sông, cấm chợ”… rồi những người cộng sản tỉnh táo đã “phá rào”, thực hiện “khoán hộ” ở nông thôn;  tự do buôn bán ở thành thị… Mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý nhà nước ra đời đã “lột xác” đất nước; không lâu Việt Nam đã trở thành một thị trường xuất - nhập khẩu lớn ở khu vực, thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập quốc tế mạnh mẽ…

Trên lĩnh vực chính trị - đối ngoại, còn nhớ Việt Nam trước kia xác định: Tất cả các quốc gia có cùng hệ tư tưởng Mác - Lênin đều là “nước anh em” và ngược lại… Nhưng tại Hội nghị T.Ư 8 (Khóa XI) 2013 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” với tinh thần “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”, Đảng ta đã không ngừng phát triển, hoàn thiện tư duy bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới: “Giữ nước phải được thực hiện ngay từ thời bình”, “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước”.

Trên tinh thần không quên quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam đã xây dựng quan hệ đối tác theo tiêu chí “ Đối tác” và “ Đối tượng”: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”, “Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”…

Đến nay Việt Nam đã có quan hệ hợp tác toàn diện với hơn 10 nước và 4 nước là đối tác toàn diện, gồm: Trung Quốc (năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016), Hàn Quốc (năm 2022), Hoa Kỳ (năm 2023).

Và tới đây sẽ còn nhiều nước nữa trở thành đối tác toàn diện của Việt Nam. Đây là cơ hội để đất nước trở thành một quốc gia giàu có, hiện đại, thực hiện nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

TS Cao Đức Thái