Đây là thuật ngữ được dùng để mô tả một nền kinh tế mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền. Nó được biểu hiện qua cách cư xử thiên vị của chính quyền cho các doanh nghiệp thân hữu trong cung cấp tài chính, hợp đồng, giấy phép…
Với một khuôn khổ khái niệm như vậy, chúng ta sẽ thấy thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, thì đồng thời cũng phải tập trung chống CNTBTH. Bởi vì các doanh nghiệp kinh tế tư nhân độc lập và tự chủ về tài chính. Nhờ khả năng “quyết bạo” và “quyết ngay”, các doanh nghiệp này có thể đầu tư nhanh chóng và hiệu quả cho các mối quan hệ. Kinh tế tư nhân nước ta đang được “cởi trói”, nên lại càng phải coi trọng chống CNTBTH.
Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Thế nhưng cải cách hành chính sẽ làm được gì, nếu muốn làm ăn dễ dàng cứ phải có quan hệ thân hữu với các quan chức? Không có quan hệ, có vẻ như mọi cơ hội đều đóng lại đối với các doanh nghiệp hoặc chi phí kinh doanh của họ bị đội lên đến mức không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị phá sản. Ở một số địa phương, thậm chí việc gia nhập thị trường gần như là không thể đối với các doanh nghiệp không nằm trong nhóm thân hữu. Các doanh nghiệp không hiểu điều này sẽ gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại và buộc lòng phải rời bỏ thị trường.
Thứ hai, CNTBTH đang triệt tiêu canh tranh. Ai cũng biết cạnh tranh lành mạnh là một động lực thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế là năng lực cạnh tranh không quan trọng bằng quan hệ thân hữu. Chất lượng cao ư? Giá rẻ ư? Chẳng quan trọng! Quan trọng là phải có quan hệ thân hữu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít có khuyến khích đầu tư vào khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ quả tiếp theo là năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế cũng rất thấp.
Thứ ba, CNTBTH đang làm cho bất công và bất bình xã hội đang bị tích tụ lại ngày một nhiều hơn. Nếu mọi cơ hội đều do nhóm thân hữu tận hưởng, thì cái gì sẽ còn lại cho những người dân? Không ai không nhìn thấy nhiều doanh nghiệp đang giàu lên nhanh chóng nhờ được hưởng chênh lệch địa tô, được ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực của đất nước, tiếp cận hợp đồng, tiếp cận thương quyền; các quan chức cũng giàu lên nhanh chóng nhờ được doanh nghiệp lại quả và cung phụng.
Điều này quả thực đi ngược lại với những giá trị về bình đẳng và công bằng xã hội mà chúng ta đã đổ máu xương ra gìn giữ. Rủi ro lớn nhất ở đây là nếu tình hình không được cải thiện, thì sớm muộn gì bất ổn xã hội cũng sẽ xảy ra. Đến lúc đó thì môi trường để sống cho an toàn còn khó, chứ nói gì đến môi trường kinh doanh!
Thứ tư, CNTBTH dẫn đến tham nhũng. Nhiều quan chức đã sử dụng quyền lực được nhân dân trao cho để ưu tiên, ưu đãi cho nhóm thân hữu và hưởng lợi từ sự lại quả của nhóm này. Chính vì vậy, CNTBTH tràn lan cũng đang làm cho tham nhũng xảy ra tràn lan.
Để bảo đảm một sự phát triển công bằng, lành mạnh và an toàn cho đất nước, Đảng và Nhà nước cần nhận thức rất rõ nguy cơ của CNTBTH, nó đã từng gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, làm cho chính quyền ở In-đô-nê-xia sụp đổ.
Điều gì xảy ra với thế giới cũng có thể xảy ra với Việt Nam. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần xây dựng và triển khai một chiến lược bài bản, công phu để chống lại CNTBTH. Trước hết, mọi biểu hiện về mặt hành vi của CNTBTH đều cần phải được nhận diện. Chế tài chống lại những hành vi này phải sớm được ban hành.
Đồng thời, Luật Phòng chống tham nhũng cũng cần được sửa đổi để bổ sung quy định về việc nghiêm cấm các quan chức có quan hệ cá nhân với các doanh nghiệp. Để minh bạch hóa và điều chỉnh hành vi vận động chính sách của các doanh nghiệp, Quốc hội cũng cần sớm ban hành đạo Luật về Vận động hành lang (lobby). Đạo luật này sẽ quy định chặt chẽ cách thức tiếp xúc giữa các quan chức với các doanh nghiệp; cách thức chuyển tải và tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp; trách nhiệm giải trình khi một chính sách được ban hành theo yêu cầu của các doanh nghiệp…
Cuối cùng, hiện tượng các doanh nghiệp tài trợ cho chuyện mua quan, bán chức cũng cần phải được nhìn nhận như một hiểm họa của đất nước. Đây là sự khởi nguồn rất phổ biến của CNTBTH hiện nay. Chính vì vậy, trước mỗi kỳ đại hội Đảng, trước mỗi đợt kiện toàn tổ chức - bộ máy, những ứng cử viên cho các chức danh chủ chốt đều cần được giám sát chặt chẽ bởi các tổ chức Đảng, bởi các cơ quan báo chỉ, bởi truyền thông mạng và bởi mọi người dân.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng