Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Đắk Lắk) thi hành lệnh bắt tạm giam để phục vụ điều tra đối với Y Krếc.

Đầu tháng 4-2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố, thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Y Krếc Byă (tên thường gọi là Ama Guôn), sinh năm 1978, ở buôn K’nia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, Phó ban điều hành “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên”, để điều tra về hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm an ninh quốc gia.

Tìm hiểu thực tế tại Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, trong những năm qua cho thấy, đời sống tự do tôn giáo, tín ngưỡng luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện hoạt động. Khắp các buôn, làng, đồng bào các dân tộc vẫn đoàn kết chăm lo làm ăn, xây dựng, phát triển kinh tế và sống tốt đời đẹp đạo. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tên của một tổ chức Tin lành mang tên là "Tin lành Đấng Christ" và được các tổ chức chống phá ở nước ngoài rất quan tâm, cổ súy.

Tổ chức Hội thánh Tin lành ở Việt Nam do mục sư Y Hin Niê, một người có hoạt động chính trị phức tạp ở Tây Nguyên (vốn là người của Fulro cũ) chạy sang Mỹ định cư để tập hợp lực lượng. Do mâu thuẫn về quyền lợi, A Ga cũng hiện đang ở Mỹ đãtách khỏi tổ chức Hội thánh Tin lành ở Việt Nam thành lập một tổ chức riêng với tên gọi “Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên” (viết tắt là Hội thánh Tây Nguyên) để hoạt động. Bề ngoài, Hội thánh Tây Nguyên tổ chức sinh hoạt tôn giáo bình thường với các hoạt động tôn giáo thuần túy;tuy nhiên bên trong là các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Phương thức, thủ đoạn tương tự như “Tin lành Đêga”: Tập hợp lực lượng, liên kết với số phản động lưu vong lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam, đòi thành lập tôn giáo riêng, nhà nước riêng  cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Ngày 8-4-2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định khởi tố, thi hành lệnh bắt tạm giam đối tượng Y Krếc Byă. Theo các tài liệu, chứng cứ của Cơ quan An ninh điều tra thu thập được trong quá trình điều tra, khám xét nơi ở của Y Krếc Byă và những đối tượng liên quan đã làm rõ: Những năm qua, Y Krếc Byă nghe theo những chỉ đạo, kích động, xúi giục của Y Hin và A Ga, từ đó, Y Krếc Byă cùng một số đối tượng khác trong nội địa đã tham gia vào Hội thánh Tây Nguyên và giữ chức vụ Phó Ban điều hành. Qua đó, Y Krếc Byă đã tổ chức các hoạt động xâm phạm đến an ninh quốc gia, như tổ chức hàng trăm buổi hội họp tập huấn trực tuyến về nhân quyền (thực chất là các buổi huấn luyện cách thức để chống phá Nhà nước Việt Nam và chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu xuyên tạc, gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền và lực lượng vũ trang; gây chia rẽ giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau); lôi kéo những tín đồ Tin lành đang sinh hoạt đạo thuần túy đi theo Hội thánh Tây Nguyên.

Trước đó, vào tháng 8-2004, Y Krếc Byă từng bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên án 8 năm tù giam về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Và lần này, Y Krếc Byă lại bị khởi tố, bắt tạm giam chờ ngày xét xử về những hành vi “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo quy định tại Điều 116, Bộ luật Hình sự của Việt Nam.

Theo nhận định của Thượng tá Trương Hồng Quý - Trưởng phòng An ninh Đối nội (Công an tỉnh Đắk Lắk): Từ hoạt động của Hội thánh Tây Nguyên cho thấy thủ đoạn chống phá Việt Nam của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, lại được che đậy bởi vỏ bọc tôn giáo, nên người dân khó phát hiện. Tính chất nguy hiểm ngày càng cao khi thủ đoạn này đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng của đồng bào theo đạo. Đây sẽ là tiền đề để khi có điều kiện, có thời cơ, các đối tượng sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kích động xu hướng chia rẽ, ly khai, lôi kéo quần chúng tín đồ tham gia vào các hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật, gây nên sự bất ổn định về chính trị - xã hội, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của xã hội.

Do đó, mọi chức sắc, tín đồ tôn giáo nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động lên án những mưu đồ xấu của kẻ địch. Đồng thời, tích cực tham gia đấu tranh, đẩy lùi việc lợi dụng vấn đề chính trị để chống, phá ra khỏi đời sống tôn giáo, góp phần làm cho các hoạt động tôn giáo trở nên thuần khiết, tốt đẹp như bản chất vốn có.

Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, phân biệt rõ hoạt động tôn giáo đúng nghĩa với hành vi lợi dụng tôn giáo để kích động chống phá của kẻ xấu. Mọi hoạt động tôn giáo phải tuân thủ giáo lý, giáo luật, tuân thủ luật pháp, đem lại đời sống đạo pháp đúng nghĩa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào trên cơ sở tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Thành Nam