Vì sao? Chắc ông Thăng “đoán”, do công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng. Rồi ông đề nghị giao cho lực lượng CCB tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Không hiểu sao, ông Thăng lại nghĩ đến lực lượng CCB, giao cho CCB mà không giao cho mấy anh Quản lý thị trường, Môi trường, hay Y tế… Y tế phải lo việc chữa bệnh chứ? Còn mấy “bố” Quản lý môi trường với Quản lý thị trường ăn lương của dân nhưng họ làm có ra sao đâu. Nếu họ làm được thì thực phẩm bẩn đã chẳng thành đại dịch lan tràn khắp cả nước.
Đúng như ông Thăng nói đấy, còn có chuyện bao che và thông đồng. Không phải mèo khen mèo dài đuôi đâu, nhưng giao cho CCB là sáng suốt đấy! Lực lượng này vẫn còn trong sạch vì chưa bị đồng tiền làm tha hóa.
Tôi chợt nhớ anh bạn đồng đội của tôi. Cứ theo lời cậu ấy, thì mọi tệ nạn đều từ tham nhũng mà ra cả. Tham nhũng là nói một cách văn hoa. Nói trắng phớ là ăn cắp. Lớn ăn cắp lớn. Bé ăn cắp bé.
“Quan lớn” đã không nghiêm thì “quan bé” làm sao tử tế được. Ta cứ nói chống tham nhũng. Nói mãi mà chẳng bắt được thằng nào cho ra hồn. Giao cho thằng tham nhũng chống tham nhũng thì chống làm sao? Có cậu còn trắng trợn bảo: “Các bác đừng có nhặng xị cuội. Nó rút ruột công trình nhưng công trình không đổ được đâu. Nó tính kỹ hết rồi. Ví dụ, nếu công trình phải cần bảy tấn thép thì nó tăng lên mười bảy tấn, rồi rút mười tấn ra để hoàn lại vốn mà nó đã chạy quyền, chạy chức, chạy dự án…”. Nhưng thói đời, hổ đã vồ được con lợn thì mèo cũng vơ ngay con cá. Chủ thầu đã rút ruột công trình thì quản đốc cũng rút được. Rồi công nhân cuối cùng thực thi cũng lại rút nữa chứ. Nó tha à? Rốt cuộc, công trình vẫn không bảo đảm chất lượng và hậu quả đau lòng vẫn liên tiếp xảy ra như báo chí đã nêu.
Muốn khắc phục được ư? Chỉ có bằng cách giám sát chặt chẽ. Giám sát độc lập. Tôi biết có làng xây mỗi cái cống con con mà cũng thất thoát. Chưa được một năm, cống đã hỏng. Ông xã trúng thầu. Ông xã lại giám sát. Thế thì tránh sao được nạn trộm cắp. Bởi thế, cũng ở làng đó khi làm con đường lớn của làng, cánh CCB trong làng tình nguyện làm giám sát viên. Mà làm không lương. Cũng chẳng vất vả gì. Cũng không cần phải có trình độ cao siêu đâu. Dễ lắm. Mà cũng đơn giản lắm. Mỗi người trực một hôm. Phân công cụ thể như thế. Rất nhàn!
Cách làm là, họ không quan tâm số tiền đầu tư bao nhiêu, chi vào những khoản gì? Đút lót bôi trơn những đâu? “Đấy là việc của các anh”, họ không hỏi, cũng không tò mò. Sướng nhá! Họ chỉ nắm mỗi cái thiết kế. Đường dài bao nhiêu? Bê tông đổ dày bao nhiêu? Có mấy cái cống? Sắt loại gì? Phi bao nhiêu? Xi măng mác gì? Bao nhiêu tấn? Đếm, ghi lại. Rồi xem người ta làm. Cứ như đi chơi. Thế mà đâu vào đấy. Cấm thất thoát. Dân hỉ hả. Con đường mấy chục năm vẫn chắc khừ, búa đập không vỡ! Chống tham nhũng xem ra chả khó. Chỉ có điều, người ta có muốn làm thật hay không? Nếu muốn làm thật thì giao cho dân. Dân sẽ làm được ngay. Cán bộ ai thế nào, dân cũng biết hết. Đừng tưởng dân không hiểu gì. Nhầm nghiêm trọng đấy!
Cho nên giao cho CCB giám sát là đúng lắm, sáng suốt lắm. Ngoài Hội CCB ở trên Trung ương ra, địa phương nào chả có CCB, làng nào, phường nào cũng có CCB.
Đấy, như vừa rồi cái vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Mấy Bộ họp cùng bao nhiêu nhà khoa học mà rồi đến nay vẫn chưa biết cá chết vì đâu. Cứ loanh quanh như gà vướng tóc. Lúng túng đến mức người ta đâm nghi ngờ, như có gì ở phía đằng sau. Người ta cho rằng cá chết vì kim loại nặng. Thì đã đành. Lại đưa lý do cá chết vì thuỷ triều đỏ.
Một cấp phó của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói luôn là do thủy triều đỏ! Các nhà khoa học chân chính bác bỏ ngay… May mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Hà, cấp trên của ông cấp phó kia đã thay mặt Bộ xin lỗi dân: Việc xử lý chậm trễ, chưa đáp ứng kỳ vọng của bà con cũng như công luận.
Ông Bộ trưởng nói thế là đúng mực.
Nhân nói chuyện cá miền Trung chết, tôi thiển nghĩ phải cho hủy ngay đường ống xả ngầm của khu công nghiệp Vũng Áng. Hoặc nếu vì đã trót ký hợp đồng cam kết, không dừng được thì phải công khai hóa việc giám sát.
Không để họ tự làm, tự giám sát, rồi mỗi quý mới kiểm tra một lần, mà ngày nào cũng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Giám sát chứ có làm phiền hà hay sách nhiễu gì đâu. Chỉ xem các thông số thôi. Không nên để như tình trạng vừa rồi, khi có sự cố, cơ quan chức năng muốn vào kiểm tra cũng không vào được vì “có yếu tố nước ngoài” như báo chí đã nêu.
Ô hay, đất đai của mình, lãnh thổ của mình, mình lại không được phép vào. Thế là nghĩa làm sao?
Mà hay là học kinh nghiệm của ông Đinh La Thăng, giao cho CCB giám sát chuyện này chứ đừng để cho mấy ông Môi trường làm những việc đó nữa. Tôi tin là sẽ đâu vào đấy.
Trần Đăng Khoa