Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, lệnh cho Đại đoàn 308 đang có nhiệm vụ thu dọn chiến trường “phải thu nhặt hết thương binh và bệnh binh địch, giải quyết thật tốt việc chăm sóc, điều trị, nêu cao chính sách nhân đạo của Đảng và Chính phủ ta đối với chúng”…
Đội điều trị 8 của Đại đoàn 308 được tăng cường thêm một đại đội vận tải, hai đại đội dân công và cho phép sử dụng số nhân viên quân y Pháp tại chỗ triển khai thành bệnh viện dã chiến với nhiệm vụ đưa hết thương binh địch lên khỏi hầm, khẩn trương cứu chữa cho họ.
Căn hầm Sở chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtri tại Điện Biên Phủ, được chuyển thành trụ sở Đội điều trị 8. Viên quan tư thầy thuốc Grô-oanh, bác sĩ trưởng của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ cùng 17 bác sĩ, y sĩ của địch, trong đó có một nữ y tá là Giơ-nơ-vi-e Đờ-ga-la, đều được gọi về tập trung quanh hầm Đờ Cát.
Grô-oanh báo cáo: “Số thương binh nặng đều được đưa về quanh đây, nằm dưới những căn hầm có khoảng 600 đến 700 người. Số bị thương vừa và nhẹ nhiều lắm, còn nằm ở các căn cứ, tôi không sao đếm được”… Grô-oanh dẫn cán bộ ta đi xem xét những căn hầm thương binh Pháp đang nằm. Ai cũng phải choáng váng, rùng mình vì những mùi nồng nặc thốc vào mũi và những quang cảnh ghê gớm đập vào mắt. Khi thấy cán bộ ta bước vào, những cái xác gần như không hồn đều như hồi tỉnh.
Sau hai ngày đêm, tất cả thương binh địch đã được đưa lên khỏi hầm, ra khỏi cái địa ngục trần gian do những người chỉ huy của họ đã tạo nên. Những chiếc dù được dựng lên làm chỗ nằm điều trị cho thương binh địch. Anh chị em dân công giặt quần áo cho họ, thay cho họ những bộ quần áo lành lặn, sạch sẽ. Việc đầu tiên các chiến sĩ quân y ta thực hiện là rửa vết thương, thay băng, phân loại các vết thương để chuyển họ về từng khu vực theo phác đồ điều trị tích cực. Các bác sĩ của ta đều đem hết tài năng, tâm trí của mình ra làm việc, giải quyết được cả những “ca” khó nhất như mổ sọ não, trước con mắt đầy kinh ngạc và cảm phục của những thầy thuốc quân đội Pháp. Mọi người đều tâm niệm: “Phải thể hiện lòng nhân đạo và chính sách của Đảng ta đối với tù hàng binh ở đây thật tốt đẹp, làm cho trên một nghìn thương binh địch hiểu rõ ta hơn.. Đó là một thắng lợi không nhỏ”. Đêm đêm, dưới ánh sáng của những ngọn đèn măng sông, các bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý của ta thay phiên nhau đứng bên các bàn mổ, không lúc nào ngừng. Các chị y tá, hộ lý của ta đi thăm giấc ngủ của từng thương binh địch, hoặc cho thuốc, tiêm thuốc cho họ đều đặn, đúng giờ. Hình ảnh ấy khiến nhiều
Đồng chí Trần Lưu Khôi, nguyên Phó Chủ nhiệm quân y Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, kể trong hồi ký của mình: “Đội điều trị 8 đã trực tiếp điều trị ở đây được 858 thương binh địch. Tất cả đều được xử trí săn sóc tốt, tiến triển thuận lợi, nhanh. Các vết thương được mở rộng, cắt lọc, dẫn lưu thoát mủ, cắt đoạn chỉ, mở dẫn lưu màng phổi, chống nhiễm khuẩn, xử trí chảy máu thứ phát… Cả Đội điều trị 8 làm việc với khả năng tối đa có được lúc đó. Các thầy thuốc: Đặng Hiếu Trung, Vi Huyền Trác, Phan Chúc Lâm, Phạm Tử Dương, Tạ Long, Phan Long, Đoàn Ngưỡng… những người mới hôm qua còn là đối thủ của những kẻ đang nằm đây, hôm nay đã tận tình điều trị, chăm sóc họ, khiến họ rất cảm phục”. Có thương binh địch phải xúc động, thốt lên: “Chúng tôi thấy các ông, các bà làm việc không lúc nào nghỉ. Chúng tôi đã hiểu thế nào là lòng nhân đạo của những người thầy thuốc QĐND Việt Nam. Chúng tôi đã hiểu. Chúng tôi đã sai lầm, bị đưa đi xâm lược, tàn sát một dân tộc rất anh hùng và rất cao thượng. Chúng tôi đã có tội…”
Việc nuôi dưỡng cũng giúp cho thương binh địch phục hồi nhanh. Một tốp bốn, năm tù binh Pháp được phép trở lại tham gia nấu nướng cho thương binh địch ăn. Các chiến sĩ ta tổ chức đánh bắt cá dưới sông, suối, hái rau rừng, hướng dẫn nọ nấu những món ăn Việt Nam cho thương binh ăn thay cho đồ hộp… Buổi tối, không khí trong bệnh viện dã chiến đã vui hơn. Các ngọn điện dùng ắc quy chiếu sáng khắp các lều dù nhiều màu sắc, trông thật đẹp.
Được chữa trị và chăm sóc tốt, được thở khí trời trong sạch, được tắm ánh sáng, da dẻ các thương binh Pháp được phục hồi khá nhanh. Họ đã được cứu vớt khỏ cái chết, họ ca hát, cười suốt ngày. Có cả tiếng đàn ghi ta “bục bục… xèng xèng” từ các lều thương binh Pháp. Y tá Pháp Đờ-ga-la là nữ tù binh duy nhất ở Điện Biên Phủ đã hết dè dặt, trở nên nhí nhảnh. Chị nói với một nữ các bác sĩ quân y của ta: ‘Chị coi, Điện Biên Phủ bây giờ giống như một chợ phiên vậy!”
Đờ-ga-la đã gửi đơn lên Hồ Chí Minh, xin ân xá, và Người đã lập tức chấp nhận đơn đó. Gần hai tuần sau, theo Chỉ thị của Bác, Chính phủ ta đã cho nữ y tá Đờ-ga-la được trở về nước Pháp. Nghe tin này, Đờ-ga-la vô cùng xúc động, sung sướng viết thư tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đờ-ga-la là tù binh Pháp đầu tiên được trả lại tự do ở Điện Biên Phủ. Qua báo chí Pháp, tháng 6-1954, Đờ-ga-la trở về Pa-ri đã được gắn hai “mề đay”, được đi thăm nước Mỹ và được tiếp đón như một Anh hùng từ Điện Biên Phủ trở về.
Sau hai tuần lễ được cứu chữa, chăm sóc, toàn bộ số thương binh nặng của Pháp ở Điện Biên Phủ đã ổn định. Chính phủ ta tuyên bố phóng thích những tù binh, thương binh nặng này. Một buổi sáng, một chiếc máy bay chở viên quan năm thầy thuốc – giáo sư Huy-a hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh đến tiếp nhận số thương binh tù binh được ta phóng thích. Huy-a đã ký biên bản nhận danh sách 858 thương binh nặng được điều trị tại Đội điều trị 8 của ta gồm 11 sĩ quna, 183 hạ sĩ quan, 664 binh sĩ. Nhưng số thương binh khác còn lại, không được đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp chấp nhận, ta vẫn phải tiếp tục giải quyết.
Từ cuối tháng 5-1954, việc trao trả số thương binh nặng nói trên, được thực hiện ngay trên sân bay Mường Thanh, do máy bay vận tải của quân đội Pháp đến đón. Khi những chiếc cáng thương được chuyển ra sân bay Mường Thanh, nhiều thương binh địch xin được ở lại. Có những người đã ôm chặt lấy cánh tay cán bộ quân y và dân công ta mà khóc nức nở. Đặc biệt những người lính Phi tỏ ra luyến tiếc chúng ta hơn cả. Khi chia tay, họ đều nghẹn ngào hứa sẽ đòi về nước và sẽ tham gia cách mạng để giải phóng quê hương họ, noi gương các chiến sĩ yêu nước vinh quang Việt Nam.
Lúc này, tại Điện Biên Phủ vẫn còn hàng trăm lính Âu Phi bị thương, cần được tiếp tục cứu chữa. Bộ chỉ huy mặt trận đã quyết định thành lập một trại tù thương ở Ngã ba Tuần Giáo, chia thành nhiều khu điều trị các vết thương và các loại bệnh cho họ. Một đội ngũ cán bộ quân y giỏi được điều động từ các đại đoàn chủ lực về, cùng một số quân y Pháp bị bắt làm tù binh bắt tay ngay vào việc chăm sóc, điều trị tù thương với chế độ ăn uống hợp lý theo chỉ định của các bác sĩ điều trị. Đến hết tháng 8-1954, khi các tù thương Âu Phi khoẻ lên, đã lần lượt được chuyển về xuôi và trao trả cho Chính phủ Pháp theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Đại tá Xuân Mai
(Chiến sĩ Điện Biên)