Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014), T.Ư Hội CCB Việt Nam phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã phát động Cuộc thi viết “Ký ức Điện Biên”. Kết quả đã có 1.800 bài dự thi và tuyển chọn được 51 bài đoạt giải; 4 trong 7 hồi ức ngắn của các vị tướng được trao phần thưởng đặc biệt, in thành cuốn sách quý “Ký ức Điện Biên Phủ”.
Cuốn sách có ý nghĩa hơn khi được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Điểm độc đáo của cuốn sách là các bài viết được kể từ chính CCB đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với những hồi ức của người trong cuộc, ở những góc độ khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, mỗi câu chuyện là khúc tráng ca phản ánh chân thực, xúc động những ngày tháng chiến đấu hào hùng và chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đó là những bài học về xây dựng lực lượng, về hợp đồng binh chủng, về sự quyết đoán và tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy mà nổi bật là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua bài viết “Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Trung tướng Phạm Hồng Cư. Ông viết “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi mãi mãi, nhưng bài học về “quyết định khó khăn nhất” của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ không bao giờ cũ, vẫn là một mẫu mực góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 hiện nay.
Cuốn sách đưa người đọc trở về giai đoạn gian khổ nhất nhưng cũng hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các tác giả dựng lại một cách sinh động, chân thật, và đem lại cái nhìn toàn cảnh, cụ thể tới từng chi tiết các nẻo đường chiến dịch, những bước chân chiến sĩ, từng góc hào, từng trận đánh; tình cảm quân dân thắm thiết, sự bao bọc che chở Bộ đội Cụ Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, trong các bài “Công binh chiến dịch” của tác giả Nguyễn Văn Sáu, “Gặp gỡ Điện Biên” của tác giả Lê Vũ…
Các bài viết còn đem đến những góc nhìn mới như trong tác phẩm “Gặp người anh hùng phá đá trên sông Nậm Na” của tác giả Trường Sơn nói về năng lực sáng tạo vô song của Anh hùng Phan Tư và đồng đội của ông hoàn thành xuất sắc việc phá các thác đá trên sông Nậm Na…
Đặc biệt các bài viết đã không né tránh về những hi sinh, mất mát, những gian khổ mà quân và dân ta đã trải qua. Có những khó khăn về vật chất như thiếu gạo, thuốc, phương tiện, thiết bị, đạn dược… được thể hiện trong câu chuyện của Trung tướng Nguyễn Hải Bằng về việc thiếu kinh nghiệm, thiếu dự phòng nên khi đường dây liên lạc bị đứt, Trung đoàn 174 của ông đã để mất đi yếu tố bất ngờ trong cuộc tấn công đồi A1 lần thứ nhất trong bài “Trận tiến công A1 lần thứ ba của Đại đội 315, D249, E174, Đại đoàn 316” là câu chuyện khiến người đọc phải suy ngẫm…
Còn rất nhiều bài viết trong cuốn “Ký ức Điện Biên” chứa đựng nhiều tư liệu có giá trị lưu lại cho thế hệ mai sau, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thúy Hương