Thiếu tướng Trần Tiến Cung về thăm lại gia đình cơ sở năm xưa tại Điện Trung (Điện Bàn).

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc duy trì liên lạc của lực lượng tình báo gặp vô vàn khó khăn. Tôi còn nhớ khi được giao nhiệm vụ phụ trách Cụm tình báo H32 đứng chân tại Gò Nổi (Điện Bàn, Quảng Nam) đã bố trí đưa chiếc máy thông tin RT3 vào Đà Nẵng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, tôi đã được nhân dân nơi đây hết lòng giúp đỡ.

Cuối năm 1965, tôi lúc đó mang quân hàm Đại úy, với bí danh Trần Phong, được bố trí vào miền Trung làm Cụm trưởng Cụm tình báo H32. Trong thời gian này, việc tổ chức mạng lưới tình báo tại Đà Nẵng đã có nhiều phát triển, những thông tin quý giá của địch được cung cấp đều đặn. Tuy nhiên, tin báo từ Đà Nẵng về đến tiền phương Gò Nổi không dễ dàng. Liên lạc chỉ đi theo kỳ hạn, có khi 7 ngày, thậm chí tới 10 ngày. Vì vậy những tin tức như địch chuẩn bị càn quét, cơ sở nào bị lộ... thường hết giá trị khi về đến nơi. Trước tình hình đó, cấp trên chỉ thị cho Cụm H32 phải đặt ở Đà Nẵng một máy thông tin RT3 hai chiều để chuyển tin tức trực tiếp ra Hà Nội và ngược lại.

Nhận nhiệm vụ, tôi nghiên cứu vị trí đặt đài, chọn giao thông viên đưa máy vào thành phố. Trước sự kiểm tra gắt gao của địch, việc đưa chiếc máy thông tin liên lạc vào nội thành vô cùng nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể hi sinh. Sau nhiều ngày cân nhắc, tôi quyết định chọn bà Bảy (thường gọi là dì Bảy, tên thật là Nguyễn Thị Bảy), quê ở Điện Thắng (Điện Bàn), là giao thông viên xuất sắc của Cụm. Trước lúc giao nhiệm vụ cho dì Bảy đem chiếc RT3 vào Đà Nẵng, tôi ướm hỏi: “Bà có dám đi không?”. Bà trả lời nhẹ như không: “Đồng ý! Sẵn sàng. Anh cứ đưa tui đi, có chuyện gì đâu. Tui đi hoài mà”. Nhưng đề phòng địch kiểm tra, tôi bỏ đồ cho bà Bảy mang đi thử. Khi cả hai lần đầu yên ổn, tôi mới chính thức đưa chiếc máy thông tin để giao thông viên chuyển vào Đà Nẵng.

Trong vai người đi chợ, bà Bảy để máy trong cái rổ bưng bên hông, đầu đội trầu cau, thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Không ngờ hôm ấy, du kích đánh sập một dầm cầu Câu Lâu (bắc qua sông Thu Bồn, nối hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) xe không qua được. Mấy tên lính ngụy trong chốt gác tổ chức kiểm tra từng xe một. Đến lượt bà Bảy, một tên lính giở cau trầu lên và phát hiện ra chiếc máy thông tin. Tên lính Mỹ và bọn ngụy trợn tròn mắt, tay chụp cổ áo bà hỏi: “Chứ cái gì đây?”. “Cái máy chứ cái gì”, dì Bảy thản nhiên trả lời, có vẻ hơi  gắt. Tên chỉ huy tát bà mấy cái, hỏi tiếp: “Cái máy gì?”. Bà thủng thẳng: “Máy gì trời biết chứ tôi có học chữ nghĩa gì đâu mà tôi biết”. Tên lính ngụy giơ tay định lấy thì bà đưa tay chụp lấy cái máy lại, ôm chặt vào bụng rồi nằm sát xuống đất, nói: “Ủa! Mấy ông ăn cướp máy tôi à? Máy tôi mà sao các ông lấy?”. “Chết tới nơi rồi mà con mẹ này còn chửi nữa”, tên lính Mỹ thấy lạ, đẩy thằng ngụy ra để hỏi lại. Nó bắt đầu tra khảo: “Cái gì đây?” “Cái máy”. Bà trả lời. “Cái máy gì?” “Tôi không biết. Tôi có biết chữ đâu”. “Chứ giờ mụ đem đi đâu?” “Nhà hết gạo, tôi đem xuống chợ Cồn bán lấy tiền mua gạo”. “Ở đâu mụ có, mụ bán?”. “Ôi trời! Thì mấy ông ngụy, mấy ông Việt Cộng đánh nhau ở trên cái gò trên Trảng Nhật kia. Khi mấy ông rút, tôi ra thấy lượm về, lau chùi cẩn thận cất miết mấy năm nay rồi. Bây giờ túng quá không có tiền mua gạo tôi mang ra chợ Cồn bán thôi”. “Bà bán cho ai? Đưa cho ai?”. “Thì đem xuống chợ Cồn ai mua thì bán chứ sao”. “Bán bao nhiêu?”. “Được bao  nhiêu hay bấy nhiêu, chứ tôi có biết cái giá bao nhiêu đâu”. Chúng nghi ngờ, bắt dì Bảy về đồn. Bà vẫn ôm chặt chiếc máy. Địch tra tấn dã man và tiếp tục hỏi: “Ai đưa đi? Máy gì? Xuống đưa cho ai? Ai nhận?”. Mặc cho chúng đánh đập, tra tấn, dì Bảy vẫn nhất quyết không đưa. Bà cứ ôm khư khư chiếc máy và bảo: “Máy của tôi nhặt được, không bán được thì tôi phải đem cất”. Cuối cùng tên lính Mỹ phải trả cho bà 5.000 tiền ngụy để lấy chiếc RT3.

Biết tin dì Bảy bị bắt, tôi rất lo lắng. Mất cái máy thì không sao nhưng sợ dì khai ra đồng chí tổ trưởng đã hoạt động trong lòng địch nên vội báo động và rút cán bộ về. Không ngờ khi đồng chí này vừa vào đến căn cứ thì dì Bảy cũng có mặt. Vừa trao cho tôi số tiền tên lính Mỹ đưa, dì Bảy vừa khóc mếu máo bảo: “Anh Phong ơi! Anh Phong ơi. Mất… mất cái máy rồi”. Tôi bình tĩnh nói: “Mất cái đó rồi thôi, để đó vô đây cái đã”. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe dì Bảy kể lại toàn bộ câu chuyện trên và thầm nghĩ: “Dù việc đưa điện đài vào Đà Nẵng chưa thành công, nhưng mình càng thấm thía sự thông minh sáng tạo của quần chúng nhân dân”.

Sau chuyến đi của bà Bảy không thành công, tôi báo cáo cấp trên xin chiếc máy thứ hai. Lần này, để tránh sự nghi ngờ của địch, tôi chọn giao thông viên Ngô Thị Bích Thủy, quê ở Hòa Phong (Hòa Vang, Đà Nẵng) đưa máy vào nội thành. Trước khi Thủy lên đường, tôi động viên chị: “Trong lúc thực hiện nhiệm vụ có thể bị địch bắt, đày, thậm chí hy sinh, tổ chức rất mong đồng chí cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. Thủy im lặng chờ tôi nói hết, mới trả lời tưng tửng: “Em đi có chuyện gì mà sao mấy anh cứ lo. Cái đồ yêu đó mà lo gì”. Thủy xem chuyện chết chóc, tù đày mà tôi vừa nói cứ như “chuyện thường ngày ở huyện”. Sau đó, tôi mua 100 cái nón lá, chia ra mỗi đầu 50 cái và nhấc lên khoảng 20 cái, khoét lỗ vừa cái máy. Thủy nhập vai thành cô gái quê làm nón gánh ra thành phố bán. Khi chia tay, tôi không tránh khỏi cảm giác bùi ngùi, lo trách nhiệm, thương cô gái trẻ trung nhỡ có chuyện gì… Tiễn Thủy đi mà lòng tôi thầm mong cho chuyến đi trót lọt. Ngược lại, Thủy lên chiếc xe hàng chạy từ Hội An ra Đà Nẵng, mắt nhìn tôi, miệng nhoẻn miệng cười, không có vẻ gì là lo lắng.

Vào nội thành, chị gánh nón về nhà một cơ sở khác, đợi đêm khuya mở ngụy trang lấy đài ra để hôm sau bàn giao cho đồng chí tổ trưởng. Khi nhiệm vụ chính đã hoàn thành, Thủy vội về giải quyết hậu quả. Khó khăn đặt ra lúc này không còn là chuyện chiếc máy mà chính là tìm cách thủ tiêu mấy chiếc nón đục lỗ. Một tia sáng lóe lên trong đầu người giao thông viên thông minh, nhanh nhẹn. Chị lẳng lặng cột hàng lại như cũ và gánh thẳng về Hòa Vang, đào lỗ chôn hết những chiếc nón đã một lần lập công, sau đó mang ra chợ bán số còn lại.

Câu chuyện về chiếc máy thông tin RT3 mặc dù đã diễn ra cách đây hàng thập kỷ, nhưng trong ký ức của tôi và bà con nơi đây vẫn không hề cũ. Quả thực: “Ngày ấy, những con người như dì Bảy, cô Thủy… đã giúp chúng tôi đứng vững trong lòng địch. Họ đã coi cái chết nhẹ như không, luôn đặt lợi ích của quê hương, dân tộc lên trên hết”.

Thiếu tướng Trần Tiến Cung kể Nguyễn Sỹ Long ghi