Theo sau là đảng Những người Cộng hòa (LR) và liên minh giành được 131 ghế - giảm từ hơn 200 ghế nhiệm kỳ trước và duy trì là đảng đối lập chủ chốt của Pháp. Đảng Xã hội (PS) chỉ giành được 29 ghế, giảm mạnh so với hơn 250 ghế trước đây. Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen thất bại nặng, chỉ giành được khoảng 8 ghế, không đủ thành lập một nhóm Nghị sĩ tại Quốc hội.
Dù giành được đa số tuyệt đối, song chiến thắng của ông Macron không lớn như kỳ vọng: Đảng Nền cộng hòa tiến bước không đạt được tỷ lệ dự đoán trước vòng 2 là từ 75-78% tổng số ghế tại Quốc hội Pháp. Đây có thể coi là một bất ngờ nếu xét đến lợi thế lớn mà đảng này giành được sau vòng 1 cuộc bầu cử hôm 11-6.
Một trong những nguyên nhân chính giải thích cho thành tích không được như kỳ vọng này của đảng Nền cộng hòa tiến bước là tâm lý của cử tri Pháp. Sau vòng 1, có khoảng 60% cử tri Pháp tỏ ý muốn có một sự khác biệt ở vòng 2, cụ thể là ở việc không để cho đảng của Tổng thống Macron chiếm một đa số quá áp đảo tại Quốc hội vì e ngại điều đó có thể triệt tiêu mọi sự phản biện. Đây có thể là lý do khiến nhiều cử tri Pháp đã điều chỉnh lá phiếu của mình theo hướng ủng hộ các thành phần đối lập với đảng Nền cộng hòa tiến bước, nhằm duy trì được một đối trọng tương đối trong Quốc hội Pháp.
Kết quả này, cộng với việc tỷ lệ cử tri vắng mặt kỷ lục (trên 56%, cao nhất trong các cuộc bầu cử lập pháp tại Pháp từ năm 1958 đến nay) rõ ràng đã gửi đi nhiều thông điệp đến chính quyền và đảng của Tổng thống Macron. Đó là, dù vẫn chiếm đa số và nắm trọn quyền lực hành pháp và lập pháp trong tay nhưng sự phản kháng đối với ông Macron vẫn tồn tại. Và từ giờ đến cuộc bầu cử một nửa Thượng viện Pháp cuối năm nay, nếu không thể hiện tốt, sự ủng hộ đối với chính quyền và đảng của ông Macron rất có thể sẽ bị đe dọa.
Dù sao thì nhiệm kỳ Tổng thống Pháp 5 năm của ông Emmanuel Macron sẽ được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi một Quốc hội mà đảng REM của ông chiếm đa số, giúp ông thuận lợi hơn trong việc thực hiện cương lĩnh tranh cử của mình.
PV