Nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, những Cựu Chiến Binh là Chiến sỹ Thành cổ ( CSTC ) huyện Can Lộc tổ chức về thăm lại chiến trường xưa. Đoàn có 15 CCB tiêu biểu, là những chiến sỹ cách đây 50 năm đã trực tiếp chiến đấu giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tất cả họ đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Can Lộc, quê hương anh hùng. Cuộc gặp mặt trước lúc lên đường thăm chiến trường xưa thật vô cùng ý nghĩa, đó là điểm hẹn tập trung của đoàn tại Tượng đài Xô Viết Nghệ - Tĩnh giữa Trung tâm Thị trấn Nghèn. Trao tặng bó hoa tươi thắm cho đại diện của đoàn, ông Đặng Trần Phong, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc xúc động: “ Thay mặt Cán bộ Đảng viên và nhân dân huyện Can Lộc, kính chúc các Bác lên đường mạnh khỏe, hành trình thượng lộ bình an; chúng cháu rất tự hào về các Bác, những CCB là CSTC huyện Can Lộc; những người lính đã vinh dự có mặt trong chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử ở Thành cổ Quảng Trị; trở về quê hương dù mang trong mình thương tích chiến tranh nhưng các Bác đã luôn gương mẫu đi đầu bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; tham gia vào các phong trào của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới; xứng đáng cho thế hệ trẻ và con cháu học tập noi gương…”

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc chúc mừng đoàn lên đường về thăm chiến trường xưa

        Chiếc xe du lịch chở đoàn chiến sỹ Thành cổ huyện Can Lộc từ từ chuyển bánh rời thị trấn Nghèn trong âm vang tiếng hát được các Bác hào hứng vỗ tay cùng nhau ca vang “ mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính; mãi mãi lòng chúng ta, vẫn hát khúc quân hành ca “.

        Ngồi cạnh bên tôi là Bác Nguyễn Văn Tam, Quê ở xã Vĩnh Lộc, nhập ngũ năm 1971, thấy người Bác nhỏ con nên tôi hỏi chuyện vui, Bác Tam cởi mở, vui vẻ: “ hồi đó lớp lính của huyện Can Lộc năm 1971 lên đường nhập ngũ rất đông, thanh niên đi tòng quân như ngày hội lớn, chiến trường đang cần mà chú; vì vậy một số người nhỏ con như Bác không đảm bảo “ cân, đong, đo đếm “ nên phải bỏ cả gạch đá vào túi quần, qua được vòng một là mừng lắm… Vào chiến trường Bác có mặt ở hầu hết các địa danh như Ngàn lẻ một, Cam Lộ, Đông Hà, 367, phía Đông Thành Cổ. Tất cả sẵn sàng chiến đấu để giải phóng Quảng Trị, 81 ngày đêm là sự kiện lịch sử không bao giờ quên, vì nơi đó anh em đồng đội của Bác hy sinh anh dũng bảo vệ Thành Cổ “. Sau ngày Hiệp định Pa ri được ký kết, Bác Tam được chọn đi học tại Trường Sỹ quan Lục Quân, sau tốt nghiệp ra trường công tác lại tiếp tục được điều sang Quân chủng Hải quân. Kỷ niệm mà Bác nhớ nhất là được làm thuyền trưởng chỉ huy con tàu chở bộ đội từ Đà Nẵng ra tận Quảng Ninh để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979…

Đoàn dâng hương tri ân đồng đội tại NTLS Quốc gia Đường 9

       CCB Đặng Xuân Thụ, quê ở Thượng Lộc, là Phó Ban liên lạc CSTC huyện Can Lộc; nhập ngũ tháng 1 năm 1972, là người lính Đặc công xuất thân từ Tiểu đoàn Đặc công 31 Quân khu 4, sau khi vào chiến trường được điều về đại đội Đặc công C16 thuộc Trung đoàn 271. Với cách đánh “ xuất quỷ nhập thần “, với lối đánh “ nở hoa trong lòng địch “, Bác Thụ đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh gây cho địch những tổn thất kinh hoàng, góp phần cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa. Khi được hỏi về chuyến trở lại chiến trường xưa, Bác Thụ cho biết: “ Đây là nguyện vọng chính đáng của hội CSTC huyện Can Lộc, nhiều năm gặp gỡ giao lưu đều có kế hoạch nhưng chưa thực hiện được; nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm, hội đã thành lập đoàn CSTC tiêu biểu của huyện Can Lộc về thăm lại chiến trường xưa, dâng hương tri ân đồng đội đã hy sinh, kinh phí cho chuyến đi dự kiến 3 ngày do anh em tự nguyện đóng góp… tất cả an hem đều rất phấn khởi, hào hứng và trách nhiệm, đoàn cũng nhận được sự động viên chia sẽ của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện Can Lộc…

Đoàn tổ chức làm lễ dâng hương tại TCQT

       CCB Nguyễn Doãn Lục, nhập ngũ năm 1971, quê ở xã Gia Hanh… là người chiến sỹ làm nhiệm vụ thông tin liên lạc của Trung đoàn 271, ông là người có nhiều kỷ niệm trong những năm tháng trên chiến trường; bị thương hai lần vẫn tiếp tục xin ở lại cùng đơn vị tham gia chiến đấu giải phóng Đông Hà, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Sau khi ra quân năm 1976, trở về làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, nhưng khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ông lại xung phong lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những năm sau đó trở về tiếp tục làm Bí thư Chi bộ, thôn trưởng cùng cấp ủy, chính quyền đưa thôn San Sơn là đạt danh hiệu thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của xã Gia Hanh.

Trước Tượng đài tưởng niệm các CSTC

      CCB Tôn Đức Đạo, quê ở xã Vượng Lộc, nhập ngũ năm 1971, ủy viên BCH Hội CSTC tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội CSTC huyện Can Lộc là người đã tham gia suốt 81 ngày đêm giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Gần nửa thế kỉ đã trôi qua nhưng CCB Tôn Đức Đạo (72 tuổi), nguyên Trung đoàn 271, Quân khu Trị Thiên vẫn nhớ về trận đánh tại chốt Long Quang, chốt trọng yếu của mặt trận cánh Đông bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào rạng sáng ngày 15/5/1972, ông kể lại: Được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, bảo vệ chốt Long Quang đồng thời tạo đà thắng lợi cho những trận đánh tiếp theo. Trước trận đánh tối hôm ấy, chúng tôi đã nung nấu quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” sẵn sàng hi sinh tính mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đối mặt với đội quân hùng hậu của Mỹ-Ngụy, chúng tôi không hề nao núng tinh thần, đúng 0 giờ 30 phút, đơn vị tôi nổ súng bắt đầu trận đánh thọc sâu vào lòng địch. Đã có những hi sinh, mất mát, rất nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm xuống trong trận đánh này nhưng chúng tôi đã giữ được lời thề của mình. Chỉ trong vòng 28 giờ từ lúc bắt đầu trận đánh, quân địch đã phải đầu hàng rút lui. Theo thống kê, đơn vị chúng tôi đã tiêu diệt được 250 tên giặc, trong đó có 40 lính Mỹ. Chúng ta đã chiếm lĩnh được chốt Long Quang, đồng thời thừa thắng xông lên triển khai mở rộng địa bàn đánh các cao điểm khác. Đây là một trận đánh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định mở màn trong việc bảo vệ “trái tim” Thành cổ. Qua đó, tạo nên thế và lực mới cho cho các trận chiến đấu vào các điểm xung yếu…”. Mặc dù mang thương tích chiến tranh trên người nhưng ông vẫn lạc quan và hăng hái tham gia công tác vào nhiều hội đoàn. Sau khi về nghỉ hưu từ cơ quan Đài PTTH Hà Tĩnh, ông đã cùng cấp ủy, chính quyền thôn Đồng Huề quyết liệt vào cuộc xây dựng nông thôn mới. Ông đã trực tiếp đi vận động liên hệ xin doanh nghiệp hỗ trợ 50 tấn xi măng trị giá hơn 60 triệu đồng, vận động con em góp tiền mua hàng chục ghế đá…

Vết tích chiến trường xưa

    Theo Chủ tịch Hội CSTC huyện Can Lộc: toàn huyện hiện nay có trên 100 hội viên, phần lớn đã trực tiếp tham gia chiến đấu 81 ngày đêm giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, trong đó có hơn 75% là Thương binh, bệnh binh và chất độc da cam; nhưng khi trở về đời thường, các Cựu Chiến Binh chiến sỹ thành cổ đều phát huy tốt bản chất, truyền thống “ Bộ đội Cụ Hồ “, nhiều đồng chí tham gia công tác tại địa phương như Bí thư, Thôn trưởng, Chi hội trưởng Cựu Chiến Binh, hội Người Cao tuổi… Hàng năm, Hội CSTC huyện Can Lộc đều tổ chức gặp mặt ôn lại kỷ niệm chiến đấu, thăm lại chiến trường xưa và tri ân đồng đội. Tổ chức thăm hỏi tặng quà Mẹ VNAH, các gia đình chính sách, động viên con em của hội viên Thành cổ có thành tích học giỏi, gia đình gương mẫu, văn hóa. Đặc biệt, đã phối hợp với các tổ chức chính sách quy tập được 3 Liệt sỹ đồng đội Phạm Văn Thi, Trần Vũ Xuân và Trần Hồng đưa về quê ở xã Vượng Lộc.

      Đến thăm và dâng hương tại khu di tích Thành cổ lần này, nhiều Bác trong đoàn xúc động không cầm được nước mắt khi nghe cô hướng dẫn viên xúc động giới thiệu: “ Chúng ta đang đứng đây, mảnh đất của gần nửa thế kỷ về trước là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 để bảo vệ Thành Cổ và Thị xã Quảng Trị. Sự kiện lịch sử đó đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Pari tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để làm nên trang lịch sử ấy hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Các anh hi sinh nhưng hình hài các anh không còn nguyên vẹn nữa, máu và xương thịt của các anh đã hòa vào lòng đất cho non sông đất nước có ngày độc lập, nhân dân được ấm no hạnh phúc “.

     Trong đoàn về thăm lại chiến trường xưa còn có các CSTC tiêu biểu Thái Xuân Dương, Nguyễn Xuân Tứ, Lê Văn Thìn, Nguyễn Hải Quý, Nguyễn Viết Nhâm, Nguyễn Tiến Vũ, Nguyễn Quang Vinh, Trần Đức Lương, Nguyễn Đăng Dung, Trần Văn Dần, Nguyễn Xuân Quang, Trần Văn Toan, Nguyễn Văn Đông… là những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị, tất cả đều là những hội viên CCB tiêu biểu, hội viên hội Người Cao tuổi gương mẫu, sau khi trở về địa phương đã tham gia liên tục nhiều năm vào công tác hội, đoàn thể; được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; thực sự là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

      Những ngày tháng bảy linh thiêng này, Quảng Trị là một điểm đến vô cùng ý nghĩa. 50 năm, về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị để hiểu thêm những hy sinh mất mát, những khó khăn, thử thách của thế hệ cha anh đi trước, để được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sỹ và hiểu hơn về truyền thống giữ nước hào hùng của dân tộc. Tự hào thay những CSTC huyện Can Lộc đã đóng góp một phần xương máu cho mảnh đất thiêng liêng Quảng Trị, nơi chịu nhiều đau thương nhất trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Quá khứ hôm qua, hiện tại hôm nay nhắc nhở và gửi gắm vào tâm tư, tình cảm của các Bác, để khi trở về tiếp tục giáo dục truyền thống cho con cháu, cho thế hệ trẻ mãi mãi không bao giờ quên lịch sử chiến tranh, trong đó có bản hùng ca bất tử “ 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị “.

                                                                                  Lê Anh Thi