Theo các chuyên gia khoa học địa chính trị thế giới thì việc kiểm soát tài nguyên nước dường như là một mục tiêu quan trọng mang tính sống còn đối với sự phát triển của Trung Quốc trong thế kỉ XXI. Việt Nam là quốc gia được trời phú cho nguồn tài nguyên nước khá là “hào phóng” so với nhiều đất nước khác, nên có lẽ khó mà có thể hiểu được vai trò của nước ngọt quan trọng đến mức nào đối với nhiều quốc gia "thiếu nước" trên thế giới.
Những quốc gia “thiếu nước” như Trung Quốc thì tài nguyên nước ngọt còn có giá trị hơn cả dầu mỏ. Bởi dầu mỏ chỉ đơn thuần đem lại tiền, còn nước đem lại sự phát triển ổn định cho quốc gia cả về chính trị lẫn kinh tế.
Trung Quốc chiếm 1/4 dân số trái đất, thế nhưng trời lại chỉ cho họ có 7% lượng nước ngọt trên toàn thế giới. Chính vì thế mà phần lớn diện tích đất nước này là những vùng đất khô hạn, trong đó có tới 15% diện tích được coi là sa mạc hay đang đứng trước nguy cơ sa mạc hóa.
Trong vòng hơn 30 năm mở cửa cải cách và vươn lên thành một thế lực mới của nền kinh tế thế giới thì quy mô đất nông nghiệp, các cơ sở công nghiệp, khu dân cư của Trung Quốc cũng bùng nổ tỉ lệ thuận với cấp số nhân một cách chóng mặt, tất yếu nhu cầu dùng nước cũng theo đó trở nên cấp thiết và lớn lao hơn.
Để thực hiện nhiệm vụ mang lại nguồn nước cho hơn 1,3 tỉ người, chính phủ Trung Quốc từ lâu đã lên kế hoạch kiểm soát “Bể nước Châu Á” trên cao nguyên Tây Tạng.
Bể chứa nước thiên nhiên này là nguồn nước chính của các dòng sông băng, những thác nước lớn suối ngầm, các hồ trên núi rộng lớn và cả ở khắp Châu Á. Dãy Hy Mã Lạp Sơn và Cao Nguyên Tây Tạng là nơi tập trung của nhiều con sông lớn nhất Châu Á như Dương Tử, Hoàng Hà, Mekong, Sông Hăng, Salween Sutej và Brahmaputra. Những con sông và nguồn nước lớn này đã và đang cung cấp lượng nước thiết yếu cho gần một nửa dân số thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức sông ngòi quốc tế, hiện nay Trung Quốc đã và đang xây dựng và đưa vào vận hành 6 đập thủy điện lớn trên sống Lan Thương (dòng chính tại thượng nguồn sông Mekong). Không những vậy chính phủ Trung Quốc còn có kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm 7 chuỗi đập trên đoạn sông này. Và như một hệ quả tất yếu, nhiều mối nghi ngại, lo sợ và cả tiếng nói phản đối được dấy lên từ ngay chính phủ; tổ chức quốc tế về việc xây dựng đập kiểm soát nước của Trung Quốc sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hạ nguồn sông Mekong, nơi cung cấp nguồn nước cho hơn trăm triệu dân, gồm có Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia.
Tạp chí Washington Times tháng 1-2016 đã có bài đánh giá chi tiết về những hệ quả tiêu cực từ việc xây dựng và vận hành các đập nước của Trung Quốc làm thay đổi mực nước và tác động tới hạ lưu của các quốc gia Đông Nam Á.
Milton Osborne - một trong những chuyên gia về Đông Nam Á của viện Lowy, tổ chức tư vấn chính sách quốc tế của Australia đưa ý kiến đánh giá rằng tuy chỉ có 14% lưu lượng nước sông Mekong chảy qua Trung Quốc, nhưng lượng nước này lại có một vai trò tối quan trọng trong việc duy trì dòng chảy vào mùa khô ở các nước nằm phía dưới hạ lưu con sống. Ông cũng nhấn mạnh, trên thực tế mỗi con đập mà Trung Quốc đang vận hành đều có thễ dẫn tới nguy cơ làm cạn kiệt dòng chảy dưới hạ lưu lớn hơn dự tính trên lý thuyết.
Trước đây, dựa trên những cơ sở lập luận và dữ liệu quan trắc, tổ chức Sông ngòi quốc tế đã tiến hành nghiên cứu và công bố kết quả để làm sáng tỏ những hệ quả tiêu cực trên khía cạnh thủy văn, thủy sản và trầm tích gây ra cho khu vực hạ lưu bởi việc vận hành và xây dựng những đập trên sông Mekong của Trung Quốc.
Ví dụ, sông Lan Thương-con sông đóng góp tới 45% lưu lượng nước cho sông Mekong. Kể từ khi Trung Quốc xây đập điều tiết thì sông Lan Thương lại có hiệu ứng ngược lại với sông Mekong. Rõ nhất là lưu lượng nước ở sông Chiang Saen – Thái Lan gần đây đã tăng tới hơn 100% vào mùa mưa và giảm xuống khoảng 30% vào mùa khô.
Việc Trung Quốc xây dựng và vận hành các đập ở thượng nguồn sông Mekong không chỉ làm cho lưu lượng nước ở hạ nguồn bị thay đổi đột ngột, mà còn làm ảnh hưởng tới cả nhiệt độ của nước sông. Theo các khảo sát nghiên cứu thì kể từ khi đập Đại Chiếu Sơn chính thức đi vào hoạt động, nhiệt độ nước trung bình đo được trên sông Chiang Saen đã hạ và mức dao động nhiệt độ nước hàng năm cũng tăng lên.
Trong tương lai khi các đập ở trung lưu và thượng lưu sông Lan Thương hoàn thành và đi vào vận hành thì sẽ còn tạo ra những thay đổi rõ ràng hơn về nhiệt độ ở vùng hạ lưu sông Mekong với diện tích ảnh hưởng kéo dài cả trăm km. Sự tăng giảm nhiệt độ bất thường và trái với tự nhiên còn ảnh hưởng tới đời sống sinh trưởng của các loài cá và thủy sản...
Mặc dầu vào thời điểm hiện tại chưa có một số liệu thống kê rõ ràng về số lượng cá di cư từ vùng hạ lưu tới thượng lưu để sinh sản, thế nhưng người ta đã phát hiện một loài cá da trớn lớn có nguy cơ tuyệt chủng vốn chỉ sinh sống ở vùng hạ lưu sông Mekong mà giờ đây đã xuất hiện ở sông Buyan (một nhánh giữa đập Cảnh Hồng và đập Mãnh Tòng) để tìm thức ăn và đẻ trứng sinh sản. Tương tự, một số giống cá nước ngọt khác như cá lăng nha, cá chép cũng có thể đã di cư từ hạ lưu lên vùng thượng nguồn sông Mekong. Điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới ngành công nghiệp thủy sản của các hộ nông dân vùng hạ lưu sông Mekong.
Bằng biện pháp đo lường kết hợp với phương pháp phân tích sự khác nhau về trầm tích giữa tỉnh Vân Nam(Trung Quốc) và các tỉnh khác thuộc hạ lưu sông Mekong, đã cho thấy lượng trầm tích mà đập Mã Loan giữ lại từ các con sông ở hạ lưu là khoảng 53-94%. Theo nhiều nghiên cứu khác thì ảnh hưởng trầm tích từ đập Mã Loan còn tới tận khu vực Viêng Chăn của Lào. Sự sụt giảm trầm tích bồi đắp cho các dòng sông ở hạ lưu không những gây ra các hiện tượng xói lở bờ sông mà còn giảm phù sa, tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập ở đồng bằng ảnh hưởng trực tiếp tới ruộng lúa và các loại cây trồng nông nghiệp khác.
Từ năm 2010 và 2012 khi hai con đập lớn nhất trong hệ thống là Tiểu Loan và Nọa Trát Độ đi vào vận hành chính thức theo kế hoạch, cùng với hàng loạt các đập khác mà Trung Quốc dự tính xây dựng và hoàn thành trong những năm tới, sẽ còn tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực lớn khác nữa tới vùng hạ lưu sông Mekong.
Đứng trước nạn xâm thực của nước mặn tới vùng đồng bằng Sông Cửu Long nước ta, rất nhiều nhà khoa học nông nghiệp đã đưa ra ý kiến rằng, thay vì cố gắng xây các đê đập ngăn mặn không hiệu qủa, lại tốn kém, thì nông dân nên “chuyển bại thành thắng” bằng cách chuyển đổi mô hình cơ cấu nông nghiệp. Từ việc trồng lúa đơn thuần sang kết hợp canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lợi dụng nguồn nước mặn. Bằng cách này lợi nhuận sẽ cao hơn mà lại không phải tốn tiền chi phí cho việc xây đê, dựng kè chống mặn.
Tất nhiên đây là mô hình canh tác nông nghiệp đòi hỏi kĩ thuật và trình độ cao khác hẳn với mô hình canh nông truyền thống lạc hậu đơn thuần. Bởi vậy, để giúp đỡ cho bà con nông dân thích nghi với tình hình thực tiễn mới, đòi hỏi các cấp chính quyền, các nhà khoa học cần phải chung tay để cùng tạo ra một chính sách, kế hoạch dài hơi cho tương lai để thực sự biến “cái hại ngập mặn” thành “cái lợi kinh tế”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh