Bọn địch tại thị xã Quảng Trị rục rịch mở đường máu rút vào Thừa Thiên Huế. Qua thực tế, Mỹ-ngụy chỉ còn hy vọng cuối cùng là co cụm cố thủ tại căn cứ quận lỵ Hải Lăng. Theo phán đoán, Hải Lăng sẽ vừa giữ vai trò hỗ trợ cho đám tàn quân tháo chạy vừa là chiếc Barie nhất thời ngăn bước tiến của bộ đội ta. Đúng như dự đoán, quân địch một mặt thu gom binh lính, vũ khí mọi ngả dồn về, mặt khác, kêu gọi chi viện qua đường không. Được yểm trợ của đủ loại máy bay tiêm kích, cường kích và pháo tầm xa từ các chiếm hạm, Hải Lăng biến thành ổ tử thủ của Mỹ-ngụy tại nam Quảng Trị.
Đúng lúc này chỉ thị của trên là: Không cho tàn quân địch vượt cầu Mỹ Chánh chạy vào phía nam, nhanh chóng đập nát căn cứ Hải Lăng, tiến tới giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị.
Để hoàn thành trọng trách lịch sử này. Bộ chỉ huy tiền phương quyết định điều Tiểu đoàn 66, thuộc Trung đoàn 202, Tăng thiếp giáp xung trận.
Tiểu đoàn 66 gồm 1 đại đội tăng PT76 và 2 đại đội thiết giáp 50 PK. Tính đến đầu tháng 5-1972, Tiểu đoàn 66 mới đứng chân tại Quảng Trị vẻn vẹn 2 tháng những chiến công lập được thực sự đáng nể. Trên mặt trận Đông Hà, Triệu Phong những chiến xa của Tiểu đoàn 66 luôn ở tư thế tả xung hữu đột, áp đảo hỏa lực đối phương. Cả đơn vị đã xuất kích là chiến thắng, đã nổ súng là xóa sổ mục tiêu.
Đêm mồng 1 rạng mồng 2 tháng 5, sau khi nhận phương án giải phóng quận lỵ Hải Lăng, đại úy tiểu đoàn Trưởng Hoàng Ngọc Thành rời sở chỉ huy tiền phương quay ngay về đơn vị cho kịp giờ “G”. Thật không may, giữa lúc nước sôi lửa bỏng thì máy bộ đàm bị đạn địch phá hỏng. Mọi thông tin liên lạc đều phải dựa vào đôi chân chạy bộ. Từ sở chỉ huy đến nơi Tiểu đoàn ém quân ước chừng 4-5 cây số. Với cự ly này nếu không gặp trở ngại, chạy bộ cũng sẽ mất trọn 1 tiếng đồng hồ. Giờ “G” đã cận kề trong lúc pháo địch liên tục phong tỏa tứ phía. Làm thế nào để về cho kịp? Đại úy Thành lòng nóng như lửa đốt. Trời mờ sáng, anh ra đến tỉnh lộ thì bắt gặp cảnh nháo nhác trên đường: Nhân dân lũ lượt kéo nhau chạy xuôi về những vùng mới giải phóng… Người xe máy, kẻ xe đạp nhưng đông nhất vẫn là đoàn người chạy bộ. Ai cũng ráng nhanh chóng thoát khỏi vùng chiến sự ngùn ngụt khói lửa. Trên trời, lũ phản lực gầm rú điên loạn trút bom đạn bừa bãi xuống các mục tiêu phụ cận. Từ chiến hạm ngòai biển, pháo tầm xa của Mỹ nã vào như mưa. Đặt chân lên tuyến đường đang căng thẳng không khí trận mạc, đại úy Thành khao khát kiếm được một phương tiện giao thông. Cần phương tiện đi lại lúc này không phải muốn thoát nhanh khỏi nơi bom đạn mà là kịp mang mệnh lệnh cấp trên về đơn vị trước giờ xuất kích. Với khẩu súng ngắn bên hông, anh vừa chạy vừa cố để ý đến dòng người may ra nhờ được phương tiện nào chăng. Đúng lúc ấy, phát hiện một phụ nữ đang loay hoay dắt chiếc xe đạp cùng với đứa con nhỏ đi về hướng thôn Cổ Lũy. Mới nhác qua đã nhận ra, ngoài xe đạp cùng với đứa con trai tầm 4-5 tuổi, chị còn mang theo chiếc túi to chắc là chứa quần áo. Chỉ là chiếc xe đạp kiểu nữ sơ sài nhưng vào lúc này đối với chị quý giá không kém thứ bùa hộ mệnh. Nhìn cảnh phụ nữ, trẻ em vô tội đang trở thành nạn nhân của bom đạn quân thù, trong lòng anh bỗng trào lên mối căm giận tột độ. Anh muốn bay nhanh về đơn vị để được ngồi ngay trong tháp pháo nhả đạn quét sạch Mỹ - ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam đau thương. Giữa lúc thời gian quý như vàng, đại úy Thành đánh bạo đến bên chị phụ nữ, anh bày tỏ nguyện vọng:
- Tôi là bộ đội Giải phóng đang thừa hành khẩn cấp mệnh lệnh tác chiến. Chị vui lòng cho tôi mượn chiếc xe đạp, rất mong chị giúp đỡ!
Bộ đồ Giải phóng khói bụi rồi lời khẩn khoản của anh “cán bộ Việt Cộng” mách bảo chị một điều gì thiêng liêng hệ trọng. Chị nhìn đại úy Thành bằng ánh mắt chia sẻ, tin cậy. Không một chút do dự, chị trả lời:
- Vâng, xin anh Giải phóng lấy ngay xe mà dùng cho kịp. Mẹ con em sẽ tính sau! Thành không biết người cho mượn xe tên gì, ở đâu. Trong đầu anh chỉ đọng lại chút “tư liệu phỏng đoán” độc nhất: Chị khoảng chừng 30 tuổi. Hai người chỉ kịp nói với nhau mấy câu đơn giản vậy. Sau khi cảm ơn nghĩa cử của vị ân nhân không mảy may quen biết, đại úy Thành vội vã lên xe thẳng hướng đơn vị. Rất may, dọc đường đi không gặp trục trặc gì. Đến đoạn sông nhỏ, anh đặt xe bên bờ rồi vội bơi qua. Chạy bộ thêm 500m tới ngay địa điểm tiểu đoàn đang phục sẵn. Anh tập hợp chiến sĩ bằng 3 phát súng ngắn rồi cùng Chính trị viên Nguyễn Đức Bền, quán triệt phương án tác chiến trước khi toàn Tiểu đoàn nổ máy xuất kích. Sau 30 phút hành tiến, Tiểu đoàn 66 Tăng thiếp giáp kịp phát hỏa mở màn trận quyết chiến Hải Lăng. Phát huy uy lực binh chủng, Tiểu đoàn 66 Tăng thiếp giáp phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 27 Bộ binh nổ súng làm chủ chiến trường ngay từ phút đầu. Được xe tăng dẫn dắt, bộ binh ta đã thọc sâu tiêu diệt gọn các ổ đề kháng, các boong ke hầm ngầm cố thủ của địch. Riêng Tiểu đoàn 66 đã bắn cháy hàng chục xe tăng, xe vận tải, bắt sống hơn 50 tên địch… Sau nhiều giờ chiến đấu, quân ta đã làm chủ quận lỵ Hải Lăng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào đầu giờ chiều ngày 2-5-1972.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm. Giờ đây mỗi khi ôn lại ký ức đáng nhớ ngày nào, CCB Hoàng Ngọc Thành như vẫn được sống với Tiểu đoàn 66 Tăng thiếp giáp của ông. Nhắc đến Tiểu đoàn 66 hai lần được phong tặng Danh hiệu Anh hùng, nhắc đến mảnh đất Quảng Trị đỏ lửa của năm 1972, tự nhiên trong ông lại sống dậy hình ảnh vị chủ nhân của chiếc xe đạp. Ông đã lên tiếng tìm kiếm nhưng nhiều lần rồi vẫn không có hồi âm. Gặp lại đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa nhưng chưa tìm được người đã cho mượn chiếc xe đạp giúp ông làm tròn nhiệm vụ nên trong lòng CCB Hoàng Ngọc Thành lúc nào cũng đau đáu một món nợ!
Hoàng Ngọc Khuyến