Tết năm nay, nhà văn bước sang tuổi năm mươi, ở quê là lên lão. Nom bề ngoài, ông còn phong độ lắm, nhanh nhẹn và mạnh khoẻ như người đàn ông tuổi bốn lăm. Bao nhiêu năm nay, ông vẫn giữ thói quen ngày còn mặc áo lính, năm giờ sáng thức dậy, chạy bộ dăm bẩy cây số, quay về tắm nước lạnh, ăn sáng, rồi ngồi vào bàn viết.

Chiếc bàn viết của ông đặt ở phòng trong, bên cạnh cửa sổ nhìn xuống chiếc sân sau của khu tập thể, nơi đám trẻ gái vẫn thường chơi nhảy dây và chơi ô ăn quan, thứ trò chơi dân gian ít ỏi vẫn còn lưu giữ được ở thành phố. Trên tường, ông treo một con dao găm, chiếc bi đông Liên Xô, kỉ vật của người lính đã hi sinh khi lấy thân mình che đạn pháo cho ông trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Cứ mỗi lần ông ngồi trước bàn là hình ảnh người lính lại hiện lên trẻ trung với nụ cười thật tươi trên môi. Đôi mắt người lính trong trẻo, còn ánh sự ngây thơ. Ông cảm thấy đôi mắt ấy nhìn thấu tận tim gan mình. Những lúc như thế, ông hiểu rằng, ông mắc nợ những người lính. Là một nhà văn chuyên nghiệp, nhưng những năm tháng qua ông bươn bả sống, tạm gác nghề văn, lao vào viết báo, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng viết để kiếm tiền. Giờ đến lúc ông phải trả nợ những người lính. Ông bắt tay viết cuốn tiểu thuyết về chiến tranh từ mùa hè, viết không ngừng không nghỉ, liền trong sáu tháng.

Cách đây một tuần, ông khoe với vợ, rằng ông đã viết xong chương cuối. Đó là chương ông mường tượng về tuổi trẻ của người thanh niên trước khi đi lính. Ông đã làm một việc khác thường mà cấu trúc tiểu thuyết thông thường không làm là đảo ngược thời gian. Vợ ông chẳng chú ý lắm đến những điều ông nói, nhưng vẫn hỏi, làm thế để làm gì? Ông cười, làm thế là để nhằm cung cấp cho người đọc chiếc chìa khoá mở cửa tâm hồn, để họ mở cửa tâm hồn mình. Nhà xuất bản đang thiếu những cuốn sách viết về chiến tranh, vì thế rất chú ý đến cuốn của ông. Vợ ông bảo, nộp bản thảo xin ứng ít tiền tiêu tết.

Hôm nay nhà xuất bản hẹn ông lên làm việc. Người biên tập sau khi khen hết lời cuốn sách bèn yêu cầu ông bỏ hoặc chí ít là cũng sửa lại chương cuối. Anh ta nêu ra một mớ lí do để biện minh cho ý kiến của mình, nhưng ông nghe không thủng. Ôi, thế là họ rắp tâm tước mất chiếc chìa khoá của ông. Lúc ấy ông suýt nữa đã nổi nóng, nhưng kìm lại được. Để tôi suy nghĩ thêm, ông lẩm bẩm. Trên đường về, ông dừng lại uống một cốc bia hơi, tán gẫu với mấy người bạn nhậu, cố rũ khỏi đầu những điều phiền muộn. Tới nhà thì quá trưa.

Điều khác thường đầu tiên mà ông nhận thấy, là trước cửa nhà ông có một cô bé đang đứng, dáng như chờ đợi ai. Khu tập thể mà ông cư ngụ là ngôi nhà bốn tầng, gồm bốn đơn nguyên. Mỗi đơn nguyên ở một tầng, có bốn căn hộ, cửa chụm vào chiếu nghỉ cầu thang. Từ dưới bước lên, căn hộ của ông ở ngay trước mặt. Cô bé đứng tựa vào cửa căn hộ nhà ông với vẻ bồn chồn. Ông dừng lại, đưa tay xoa đầu cô bé, nhẹ nhàng hỏi:

  • Cháu có việc gì vậy?

Cô bé ngước nhìn ông chăm chú, sau đó móc từ trong túi ra một chùm chìa khoá. Bàn tay nhỏ nhắn, sạch sẽ cầm chùm chìa khoá đưa ra trước mặt ông. Cô bé hỏi:

  • Đây có phải là chùm chìa khoá nhà bác không?

Thoạt tiên nhà văn không rõ cô bé định nói gì, bèn hỏi lại:

  • Cháu nói gì? Chùm chìa khoá nào?

Cô bé rụt rè giải thích:

  • Cháu nhặt được chùm chìa khoá này trước cửa nhà bác, có lẽ cô đánh rơi?

Nhà văn đón chùm chìa khoá từ tay cô bé, nhận ngay ra đó là chùm chìa khoá của vợ ông. Chắc cô ấy vội việc gì nên đã đánh rơi. Ông nói:

  • Cảm ơn cháu! Đây đúng là chùm chìa khoá của nhà bác, cô ấy vội đi làm đánh rơi.

Cô bé nghe nhà văn nói vậy thì mắt sáng lên:

  • Cháu cũng nghĩ vậy.

Im lặng một lát, cô bé nói tiếp:

  • Đúng là chìa khoá nhà bác rồi, đúng không ạ?

Nhà văn mỉm cười nghĩ thầm, con bé thật cẩn thận. Nó rất có tinh thần trách nhiệm với chùm chìa khoá. Ông chọn trong chùm chìa khoá chiếc chìa màu đồng hun, khẽ huơ lên trước mặt nó, mỉm cười:

  • Đây là chiếc chìa khoá cửa nhà bác, để bác mở cho cháu xem.

Cửa của các căn hộ ở ngôi nhà tập thể này đều khoá trái để chống trộm. Ông luồn tay qua chiếc lỗ tròn, tra chiếc chìa vào ổ khoá ở phía trong. Tách một cái, cửa mở. Ông quay lại phía cô bé:

  • Mời cháu vào thăm nhà bác.

Cô bé mỉm cười như ông vừa mỉm cười với nó:

  • Cháu cám ơn! Hôm nay lớp cháu tan sớm một tiết, nhưng sợ bác hay cô về không có chìa khoá nên đứng đây đợi. Muộn rồi, cháu phải về. Nhà cháu trên tầng bốn.

Nhà văn nói lời cảm ơn một lần nữa, rồi đưa tay vẫy theo cô bé thoăn thoắt chạy lên tầng trên. Không hiểu sao cái bím tóc cũn cỡn nhẩy múa sau lưng cô bé lại khiến ông tin rằng cô bé chính là hiện thân của một cô tiên. Buổi chiều vợ ông đi làm về, ông đem câu chuyện trên kể lại cho chị nghe với một niềm hứng khởi khôn tả. Nhưng vợ ông lạnh nhạt bảo:

  • Em ngỡ mình bỏ quên chìa khoá ở phòng làm việc.

Rồi vợ ông đi xem xét kiểm tra khắp nhà, khiến ông tự nhiên thấy khó chịu. Đêm ấy trước khi đi ngủ, vợ ông còn lấy thêm một cây gậy chèn cửa. Chị bảo, tháng củ mật phải cẩn thận.

Sáng hôm sau như thường lệ, ông lại ngồi vào bàn viết, nhưng không sao tập trung tư tưởng được. Nhà xuất bản yêu cầu ông cắt bỏ chương cuối vì nó phản thường quá. Không, ông không cắt. Nhà văn Hạ Huyền giận giữ đứng dậy, khoác áo đi gặp biên tập viên. Lúc trở về ông mệt mỏi móc túi lấy chiếc chìa khoá màu đồng hun mở cửa. Vợ ông cũng có một chiếc như thế. Nhưng ông không làm sao tra nổi chiếc chìa vào ổ khoá. Tai hoạ! Chuyện gì đã xảy ra thế này? Hay trẻ nghịch nhét cái gì đó vào lỗ khoá. Tự nhiên mồ hôi ông túa ra ướt đẫm lưng. Đúng lúc ấy thì vợ ông về, chạy phăm phăm lên cầu thang. Ông uể oải kêu:

  • Không hiểu làm sao anh không mở nổi cửa.

Vợ ông gạt ông qua một bên, móc khoá từ trong ví, vặn cái tách. Thế là cửa mở. Nhận thấy vẻ ngạc nhiên trên nét mặt ông, chị nói:

  • Đúng là nhà văn các ông chả hiểu đời sống nó như thế nào.

Ông bước theo vợ vào nhà, lẩm bẩm:

  • Kì cục, tại sao hôm nay tôi tra mãi mà chìa khoá không vào?

Vợ ông rũ ra cười, một lúc lâu mới nói:

  • Là sáng nay em trốn cơ quan hai tiếng, gọi thợ đến thay toàn bộ khoá mới.

Nhà văn chợt hiểu những điều gì đã nảy ra trong đầu vợ ông từ đêm hôm qua. Ông nhớ đến đôi mắt trong veo, cái bím tóc cũn cỡn của cô bé trên tầng bốn. Tối hôm ấy hai vợ chồng không nói với nhau chuyện gì, ngay cả chuyện ông rút lại bản thảo.

Mấy hôm sau, vào một buổi chiều ông có việc ra phố trở về thì lại gặp cô bé nhà trên tầng bốn, đứng ở đầu cầu thang. Tự nhiên ông thấy lòng mình mềm nhũn vì áy náy chen lẫn xấu hổ. Ông muốn tránh cô bé, nhưng không thể. Cô bé bước lại phía ông mỉm cười giống như ông đã cười với nó lần trước. Nó nói:

  • Cháu chào bác!

  • Chào cháu.

Ông cười gượng, muốn đưa bàn tay thô cứng vuốt lên mái tóc mềm mại của nó mà không dám. Con bé không biết điều ấy. Nó chìa bàn tay nắm chặt ra trước mặt ông rồi từ từ mở ra. Một chiếc chìa khoá mầu đồng hun. Nó bảo:

  • Có phải chiếc chìa khoá nhà bác đây không?

Ông ngập ngừng một lát, thừa nhận:

  • Phải rồi!

Con bé nói:

  • Cháu mới nhặt được nó ở sân sau, chỗ bể nước. Đúng nó là của bác chứ?

Nhà văn lắp bắp đáp:

  • Đúng mà.

Cô bé lẩm nhẩm:

  • Cô ấy xuống bể nước làm gì mà lại để rơi? Mẹ cháu bảo đang tháng củ mật, kẻ trộm nhiều, nhà bác nên cẩn thận.

Nói rồi cô bé chạy vọt đi. Nhà văn cầm chiếc chìa khoá trong tay như cầm một cục than. Chiếc chìa khoá mầu đồng hun. Chắc là vợ ông sau khi thay khoá mới đã tiện tay liệng nó qua cửa sổ xuống mảnh sân sau, nơi có bể nước của cả khu tập thể, nơi đám con gái vẫn chơi nhẩy dây và chơi ô ăn quan. Nhưng chiếc chìa khoá ấy không bao giờ còn mở nổi vào nhà ông nữa.

H.P.P

Truyện ngắn của HÀ PHẠM PHÚ