Trên mảnh đất có truyền thống yêu nước ấy, cha mẹ sinh chị vào năm 1950, đặt tên Dần – có lẽ cái tên cầm tinh con hổà đầy sức mạnh. Cày cấy ruộng đồng và làm tất cả những công việc ở lớp, trường, đội, đoàn phân công khi còn là học sinh của quê hương Làng Đỏ, chứng tỏ lòng yêu nước, yêu đồng bào như Bác Hồ mong muốn qua 5 điều Bác Hồ dạy đã thấm vào máu thịt của chị.
Năm 1964, thành phố Vinh (cũng có người gọi là thành phố Đỏ), bởi giặc Mỹ điên cuồng đưa bom đạn đến gây tội ác ngày đêm. Cả thành phố quê hương chị đầy bom đạn và lửa hờn căm ngút trời. Lúc đầu, chị cũng sợ thật, nhưng với lòng căm thù kẻ xâm lược, chị đã làm việc được như người lớn, đào hầm, đắp ụ phòng tránh cho gia đình, cho bạn bè; rồi chặt cành lá ngụy trang, bốc vác súng đạn cho bộ đội, chuyển tải những người bị thương khi bị đánh; lân la đến các trận địa phòng không của bộ đội, tìm hiểu lớp anh chị, chú bác đang dũng cảm bán máy bay; tìm hiểu các chú, các anh về lòng yêu nước, yêu đồng bào sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, chịu đựng gian khổ ác liệt, chiến đấu đêm ngày.
Năm 1967, mới 17 tuổi, chị đã chính thức làm pháo thủ súng 12 ly 7 mà cấp trên phân công cho trung đội dân quân Làng Đỏ; cả trung đội gồm 11 người thì nam chỉ có 3, bởi vì nam Làng Đỏ đã xung phong đi đến các mặt trận ở tiền phương. Khẩu súng của trung đội được di chuyển đến những mục tiêu quan trọng và ác liệt nhất trong thành phố để bảo ve,ä như nhà máy điện, phà Bến Thủy, khu vực Thành ủy, kho xăng dầu, bến xuống cồn Soi (một bãi bồi giữa sông Lam)... Có lần, đơn vị bắn tan xác một chiếc máy bay A4. Tên giặc lái nhảy dù xuống Còn Thoi. Hắn đang gọi đồng bọn đến cứu mạng thì chị đã cùng trung đội kéo nhanh pháo lên mặt đê chặn đánh máy bay bay thấp; chờ khi chúng sà sát xuống mặt sông, chị siết cò. Khẩu đội tích cực chi viện cho dân quân xã bạn đang quyết tâm bắt sống tên trung tá giặc lái.
Trải qua hàng chục trận nổ súng với đàn quạ Mỹ, chị cứng rắn hẳn lên về ý chí và thể lực. Trận chiến đấu ngày 28-4-1968, sức ép của bom đã xô chị ngã xuống, ngất đi; một mảnh bom cắt vào vai, chị phải đi viện điều trị. Vết thương vừa khỏi, chị lại xin về vị trí chiến đấu của mình.
Lần khác, khi địch cho nhiều tốp (thần sấm, con ma) đến bắn phá nhà ga Vinh, khẩu đội của chị lại cơ động đến đó, và chị kịp thời siết cò, nhả đạn. Chiếc F4H trúng đạn bốc cháy. Mọi người reo lên:
- Con Dần bắn nó trúng rồi!
Dần lại theo dõi những chiếc khác để bắn tiếp. Chiến công được cấp trên công nhận và nhờ chiến công này, xã Hưng Dũng được công nhận là xã Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân năm 1971; chị được vinh dự đi báo cáo với bạn bè năm châu : “Bom đạn Mỹ không có gì đáng sợ và phụ nữ Việt Nam chúng tôi anh hùng bất khuất như thế đấy”. Chị đã được hàng chục đoàn khách nước ngoài và trong nước đến thăm hỏi, tìm hiểu cách bắn máy bay địch rơi... Khi được gặp Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Brêgiơ-nhép cùng nhiều nhân vật quan trọng trong bộ máy nhà nước Liên Xô cũ, có người hỏi chị:
-
Tại sao nữ dân quân mà không mang súng? Chị vui vẻ trả lời:
-
Đây là đất nước Xô-viết, người bạn lớn đang giúp đỡ Việt Nam chúng tôi chống Mỹ, sao lại mang súng?
Cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy gian khó, hy sinh của nhân dân ta sau 30 năm đã thắng lợi. Giặc Mỹ đã phải thua, ngụy đã phải nhào.
Đất nước được thống nhất, có độc lập – tự do, chị cùng toàn dân vui sướng vì không còn giặc xâm lược. Chị được cấp trên tin tưởng, nhân dân yêu quý bầu chị vào nhiều trọng trách trong xã, nay là phường Hưng Dũng như ủy viên thư ký, công an phố, Xã đội phó, Văn phòng Đảng ủy và có trên 10 năm làm Chủ tịch xã, tính ra cũng trên 20 năm liên tục phục vụ quê hương. Chị đã cùng tập thể Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo nhân dân chuyển đổi từ làng xã lên phố phường. Đất làng Đỏ, ngày xưa rộng mênh mông, nay được chia bớt cho các phường xã lân cận nên hẹp về diện tích nhưng dân số vẫn tăng lên vùn vụt. Thành phố Vinh được cấp trên công nhận là thành phố loại I, từ cuộc sống gian khổ do chiến tranh lâu dài tàn phá – kinh tế thiếu thốn với muôn vàn khó khăn, Đảng bộ đã lo cho nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Năm 1997, cấp trên cử chị đi học nghiệp vụ, lý luận để có bố trí làm việc ở cấp cao hơn. Nhưng không may, chồng chị qua đời do một vụ tai nạn khi xây dựng thành pho. Một mình chăm sóc mẹ già trên 80 tuổi và 4 con đang ăn học; chị phải nghỉ việc, nhường lại ví trị công tác cho lứa tuổi trẻ, khỏe hơn, đầy năng lực, trình độ. Chị nhận một lần khoản phụ cấp để khắc phục khó khăn, rồi bươn chải, nuôi lợn, nuôi gà. Là đảng viên của Đảng, chị vẫn được dân cư tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, chi hội trưởng CCB liên tục những năm qua.
Tôi ở Ban chấp hành Hội CCB của phường. Vừa rồi được Hội Phụ nữ mời dự cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2011, với những đại biểu phụ nữ tích cực từ cơ sở. trong số đó có chị dân quân làng Đỏ Nguyễn Thị Hải Dần; ngày xưa từng bắn tan xác phản lực Mỹ.
Đến giờ vui văn nghệ, tôi xin góp bài một bài về truyền thống làng Đỏ. Tôi chọn bài “Tiếng hát Sông Lam”, sáng tác của Đinh Quang Hợp, đến đoạn:
“...Đất anh hùng muôn đời bất khuất – thành Vinh, Hưng Dũng, Quỳnh Trang. Ngời chiến sĩ dân quân tay súng trường đã chiến thắng, bọn cướp Mỹ xâm lăng, chôn vùi ở đất đây...”. Tôi ra hiệu cho dàn nhạc chậm lại, nhỏ dần để tôi hát cho rõ lời ca. Từ trên sân khấu, tôi đưa mắt hướng về chị, thấy chị đang xúc động; có lẽ chị đang nghĩ về quá khứ vinh quang, gian khổ mà hào hùng qua bài hát. Rồi chị cùng nhiệt liệt vỗ tay như mọi người.
Tan cuộc họp, chị gặp, động viên tôi:
- Em xúc động vì biết anh là thương binh 1/4. lại ở độ tuổi gần thất thập mà vẫn nhớ và hát bài hát truyền thống quê hương, hay thế!
Tôi cảm ơn và hỏi chị:
- Nay đời sống của chị và các cháu ra sao?
Chị trả lời ngay:
Được hưởng chế độ thương tật, còn Huân chương Chiến công thì cấp trên đang xem xét...
Chị nghẹn ngào một tý rồi nói tiếp:
- Bây giờ em chỉ hướng vào công tác đoàn thể và nuôi dạy các con ngày một trưởng thành...
Đặng Sỹ Ngọc