Giết “ma chài” để lấy 3 triệu tiền công!
Đến giờ, nhiều người dân ở huyện Mường Nhé, Điện Biên vẫn còn ám ảnh trước cái chết đầy oan uổng của bà Vàng Thị Say, 50 tuổi, ở bản Nậm Chua 4, xã Nà Hỳ. Bà, vốn là một người phụ nữ Mông hiền lành chân chất, không thù oán với ai, nhưng lại bị tước đi mạng sống một cách hết sức tàn độc chỉ vì mê tín. Kẻ thủ ác trong vụ án này chính là người hàng xóm tên Lầu A Sở, 21 tuổi.
Đầu năm 2011, vợ Lầu A Sở sinh được một bé gái. Nhưng không hiểu sao đứa bé cứ ốm đau quặt quẹo, nuôi mãi chẳng lớn. Thầy mo về cúng phán với Sở rằng: con gái anh ta bị "ma chài" làm, phải tìm ra và giết "con ma" ấy thì đứa bé mới lớn lên được!
Một hôm khi đi làm cỏ nương, Lầu A Sở vô tình gặp bà Vàng Thị Say, hàng xóm của mình. Đúng lúc gần giáp mặt với Sở, bà Say lại rẽ sang con đường mòn dẫn lên núi. Chính sự vô tình này đã thổi bùng lên trong Sở ngọn lửa nghi ngờ. Hắn cho rằng, vì bà Say có ý đồ xấu nên mới cố tình tránh mặt! Cơn nghi ngờ mù quáng của A Sở bị đẩy lên đỉnh điểm khi cô con gái ốm nặng và không qua khỏi. Hắn quyết định phải diệt trừ bằng được con ma chài theo lời thầy mo phán.
Nghĩ là làm, đêm hôm đó, Sở bịt kín mặt, sau đó xách theo con dao phát nương đi về phía nhà bà Say. Quan sát thấy bà đang ngồi ăn cơm một mình trong nhà, Sở như con hổ dữ, cầm dao xông vào chém liên tiếp vào đầu, vào cổ làm bà Say chết ngay tại chỗ.
Phải mất rất nhiều thời gian, công sức các điều tra viên mới phá xong vụ án này, đưa kẻ thủ ác ra trước ánh sáng. Bởi, có một thực tế đáng buồn là ngay cả khi lực lượng công an vào điều tra, không ít người dân vẫn tỏ thái độ bất hợp tác vì họ mù quáng nghĩ rằng, hung thủ chính là kẻ đã “thay trời hành đạo”, thay mặt nhân dân trừ gian diệt ác. Họ tìm mọi cách bao che. Cá biệt, có những vụ án xảy ra, nhưng dân bản thống nhất "đóng cửa bảo nhau", không trình báo cơ quan công an.
Chỉ tính riêng mấy tháng đầu năm 2011, trên địa bàn huyện Mường Nhé liên tiếp xảy ra 2 vụ giết người dã man, mà nạn nhân đều là phụ nữ, đều bị nghi ngờ là "ma". Nghiêm trọng ở chỗ, đến khi bị bắt, hung thủ không có sự ăn năn, hối cải vì vẫn cứ nhầm tưởng mình đang lãnh sứ mệnh diệt trừ cái ác cho dân bản.
Giữa tháng 5-2011, không biết vì lý do gì mà đột nhiên nhiều trẻ con, người già ở bản Huổi Đáp (xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé) bị ốm đau triền miên. Người dân hoang mang mời thầy mo về rồi giết cả trâu, lợn cúng tế mà người thì vẫn thi nhau ốm, có vài cháu bé yểu mệnh bị tử vong (sau này cơ quan y tế kết luận trẻ em ốm đau là do bị suy dinh dưỡng, thay đổi khí hậu, các trường hợp tử vong là do viêm phổi, kiết lỵ).
Lo sợ ma quỷ sẽ lần lượt bắt hết trẻ con trong bản, một vài người đã kéo nhau vào rừng đặt lễ nhờ tìm giúp "ma chài". Chẳng biết họ nhờ thần linh hay các thế lực siêu nhiên chỉ lối thế nào, chị Giàng Thị Sú tự dưng bị khép cho cái tội "ma chài". Trong số những người tích cực nhất rêu rao chị Sú là "ma" có Thào A Páo. Páo năm đó 40 tuổi, nhưng đã có đến 3 cháu ngoại, 1 cháu nội. Páo tìm gặp Thào A Hồ, SN 1972 bàn tính phương án "xử" chị Giàng Thị Sú … tội chết.
Tuy căm ghét chị Sú, nhưng Páo vẫn không dám ra tay nên đã nhờ Thào A Hồ lấy mạng chị Sú với giá... 3 triệu đồng. Sau nhiều ngày theo dõi, nghe ngóng và tìm hiểu qui luật hoạt động của gia đình chị Sú, Thào A Hồ mang súng kíp, nhồi thêm nhiều viên bi đạn rồi lặng lẽ đến mật phục ở sau nhà chị Sú. Chờ chị Sú và chồng là anh Thào A Sèng say giấc nồng, Hồ luồn súng qua khe vách, gí sát vào đầu chị Sú bóp cò...
Sau khi gây án, hắn về nhà Thào A Páo lấy tiền công và bỏ trốn; nhưng chỉ một tuần sau, cả hai tên bị lực lượng trinh sát Đồn Biên phòng 415 và lực lượng công an bắt giữ tại địa bàn bản Ngải Thầu, xã Nà Bủng, Mường Nhé, Điện Biên...

Vì mê muội, ép người ăn lá ngón
Cũng như dân tộc Thái, Dao…, dân tộc Mông thờ đa thần. Bà con quan niệm có thần ở "trên giời" và thần ở "hạ giới"; có ma nhà (ma lành) và ma ác. Nhưng, "ma" nào thì cũng phải thờ cúng, ma nhà thì phù hộ, ma ác như "ma chài", "ma chò", “ma gà”, “ma xó” thì phải xua đuổi, diệt trừ. Người vùng cao nhìn chung có tình cảm sâu sắc, nhưng tâm lý lại thể hiện đơn giản; tư duy gắn liền với thực tế, chất phác, ngay thẳng, dễ tin nhưng cũng dễ ngờ. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động loại bỏ các hủ tục tồn tại cả ngàn năm nay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc không đơn giản.
(Còn nữa)
Nguyên Phong