Mấy tuần nay dư luận rộ lên chuyện một đồng chí sĩ quan Cảnh sát giao thông còn rất trẻ ở TP. Đà Nẵng, thay vì bắt phạt bằng tiền một sinh viên vi phạm Luật Giao thông, đi ngược chiều, bằng hình thức chép 20 đến 30 lần câu “Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều nữa”...
Đương nhiên không có luật, lệ nào quy định kiểu “chép phạt” như thế. Nhưng ai cũng thấy cách phạt này có hiệu quả, bởi nó vừa phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, vừa có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông của người vi phạm.
Cộng đồng mạng khen nhiều, nhưng chê cũng không ít, thậm chí một số tờ báo còn “mổ xẻ” hình thức phạt này đúng hay sai; có nên áp dụng rộng rãi trong ngành? Cá biệt có ý kiến còn máy móc cho rằng đồng chí cảnh sát giao thông phạm luật!
Ở một góc nhìn khác, tôi cho rằng đồng chí cảnh sát giao thông trẻ ấy có tâm trong sáng, nên trước một hoàn cảnh cụ thể đó đã nghĩ ra một “sáng kiến” xử phạt cho người vi phạm “được đơn, được kép” - vừa không bị mất tiền, vừa kịp đến trường, mà còn được học một bài học nhớ đời là “tham gia giao thông không được đi ngược chiều”.
Nếu “tâm” của người cảnh sát nọ không trong sáng thì hoặc là bỏ qua lỗi phạm cho khỏi “lằng nhằng”, hoặc là đòi mãi lộ người vi phạm. Nhìn rộng ra, chúng ta thấy không thiếu những “công bộc tâm đen” chuyên tìm cách lách luật để tham ô, tham nhũng.
Có nhiều tiêu chí để chọn người thừa hành công vụ, nhưng theo tôi tiêu chí quan trọng nhất là họ phải có tâm trong sáng. Ngược lại “tâm” mà “đen” thì sai họ cũng bẻ thành đúng, đúng họ cũng bẻ thành sai-miễn là cá nhân họ kiếm được.
Hà My