Ngày 30-8, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức Hội nghị giao ban hoạt động uỷ thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong 7 tháng đầu năm, hoạt động uỷ thác giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 287.276 tỷ đồng, tăng 29.951 tỷ đồng (11,7%) so với cùng kỳ năm 2021. Tổng dư nợ đạt 273.458 tỷ đồng, tăng 10,3%, trong đó tổng dư nợ uỷ thác qua các tổ chức chính trị – xã hội đạt 267.962 tỷ đồng, chiếm 97,99% tổng dư nợ, tăng 23.268 tỷ đồng so với năm 2021. Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp như: cho vay mới và cho vay bổ sung để giúp người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, ổn định sản xuất và cuộc sống.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động uỷ thác tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tại cơ sở. Phối hợp với địa phương tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn vay nhằm hạn chế phát sinh nợ quá hạn, xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Vì vậy chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục nâng cao, vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Linh