“Nhạc trưởng”
Như để làm rõ thêm ý kiến vừa là ghi nhận, vừa là chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đại tá Lương Văn Tuấn - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Ninh Bình trao đổi với chúng tôi, 5 năm qua toàn tỉnh có 3.363 hội viên CCB đạt danh hiệu sản xuất kinh tế giỏi các cấp. Hộ CCB nghèo giảm từ 2,52% (năm 2011) xuống còn 0,99% (năm 2015.
Ông cho rằng, bài học sâu sắc nhất và cũng là thành công nhất của phong trào chính là khơi dậy được tinh thần vượt khó, vượt khổ, không cam chịu đói nghèo của các hội viên, nhất là những hội viên còn nghèo. Đó chính là khơi dậy “chất lính” của người lính trên mặt trận sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo. Mà “nhạc trưởng” khơi dậy ý chí, nghị lực của hội viên chính là vai trò của các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở.
Tôi được biết, chỉ tính trong giai đoạn 2011 đến 2016 toàn Tỉnh hội đã tổ chức được tới 183 lớp cho 4.833 lượt cán bộ, hội viên tập huấn chuyên sâu về kinh nghiệm năng lực giảm nghèo.
Những vấn đề rất “nóng” được đặt ra trong các lớp tập huấn như: “Tại sao hội viên A; hội viên B còn nghèo? Hội viên C làm thế nào mà giàu có? Để giúp hội viên nghèo vượt nghèo thì làm thế nào? Những ai sẽ là “bà đỡ” giúp họ…
Tỉnh hội chỉ đạo, để trả lời được những câu câu hỏi đó đòi hỏi các cấp Hội cơ sở phải sâu sát đến từng hội viên, điều tra phân loại làm rõ nguyên nhân các hộ nghèo để có biện pháp giúp đỡ cụ thể về kỹ thuật, kinh nghiệm, tư liệu sản xuất… Nhưng bao trùm lên tất cả sự giúp đỡ đó phải là khơi dậy được tinh thần vượt khó của chính các hội viên. Chỉ khi nào hội viên muốn thoát nghèo thì mới giúp họ vượt nghèo bền vững được…
Điển hình như CCB Phạm Văn Mỹ, ở xóm 6, thôn Đông Thịnh, xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh. Nghèo đến mức bỏ quê, đưa vợ con vào Đắk Lắk để làm ăn. Nhưng không thành, năm 1998 ông lại phải quay ra.
Thấy được hoàn cảnh khó khăn của ông Mỹ, Hội CCB xã đã đến động viên, tận tình giúp đỡ và dẫn ông Khánh đi tham quan, học hỏi các mộ hình CCB làm kinh tế giỏi của tỉnh và giới thiệu một chủ trồng nấm có tiếng tên là Lý ở Hà Tây để ông Khánh về học.
Như được tiếp thêm nghị lực, ông Khánh quyết tâm đi học hỏi về triển khai nghề trồng nấm. Và ông Khánh đã thành công ngoài mong đợi. Từ trồng nấm nhỏ lẻ một mình, thành tổ, đến nay là HTX sản xuất nấm khép kín, từ trồng, đến chế biến và tiêu thu hàng chục loại nấm, có những loại quý hiếm như nấm linh chi. Hiện nay, mỗi năm HTX của ông tiêu thụ từ 80 đến 100 tấn phụ phẩm nông nghiệp, như rơm rạ, mùn cưa... HTX bảo đảm việc làm ổn định cho 16 gia đình CCB khác; lãi hằng năm hơn 1 tỷ đồng.
Không những hết nghèo mà HTX của ông Khánh mỗi năm còn giúp làm từ thiện từ 30 đến 40 triệu đồng.
Tham luận tại hội nghị, ông Khánh trích lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để kết thúc bài phát biểu: “CCB không được lùi bước trước khó khăn, phải luôn là người lính gương mẫu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống”.
“Liều” hơn ông Khánh, phải kể đến CCB Trần Ngọc Sách, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Được anh em CCB trong xã chỉ cho lợi thế “mặt đường” của gia đình, năm 1990, ông Sách đã bàn với gia đình cho ông thế chấp sổ đỏ vay của Ngân hàng Nông nghiệp huyện 200 triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ngày đầu chưa quen, khách chủ yếu là CCB đến mua cho ông.
Thế là từ nguồn tiền vay ban đầu, đến nay ông đã có một cơ ngơi khang trang với hệ thống nhà ở, nhà kho trị giá 5 tỷ đồng. Cửa hàng có nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu của nông dân trên toàn địa bàn.
Vừa qua ông được bầu làm Hội trưởng Hội CCB xã. Rút kinh nghiệm từ bản thân, ông đăng ký giúp 7 hội viên CCB, CQN thoát nghèo bằng đầu tư giống, vốn cho mỗi hộ 20 triệu đồng không lấy lãi… Hiện nay cả 7 hộ đã có cuộc sống ổn định.

** “Bà đỡ”**
Anh em CCB Ninh Bình gọi ông Lê Đức Toàn-Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Việt Thành, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB Ninh Bình như thế.
Tất nhiên ông thuộc diện giàu có. Nhưng có phải ai giàu có cũng rộng lòng hảo tâm, giúp đỡ người khác như ông đâu.
Chỉ tính 5 năm qua doanh nghiệp của ông đã chi tới 9,7 tỷ đồng để giúp CCB vượt nghèo, làm công tác từ thiện, tình nghĩa; xây dựng nông thôn mới. Và với cương vị là Chủ tịch Hội doanh nhân CCB tỉnh, ông vừa là “mạnh thường quân” vừa vận động anh em đóng góp ủng hộ xây dựng nông thôn mới, làm nhà tình nghĩa tặng CCB xóa nhà dột nát, giúp hộ nghèo với số tiền lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Cũng phải nói thêm là không phải bây giờ ông giàu có, tấm lòng ông mới rộng mở. Ngay từ 15 năm trước, chưa thành lập Hội Doanh nhân, ông và mấy đồng đội cụm nhau lại để giúp đỡ nhau trong kinh doanh sản xuất, gọi là Hội đồng đội. Nhiều người đã vượt qua thất bát nhờ ông và anh em trong hội giúp đỡ. Điển hình như CCB Phạm Công Chất triển khai một dự án đang đứng bên bờ phá sản được ông và anh em đồng đội cho vay 1 tỷ đồng không lấy lãi. Nhờ vậy mà nay Phạm Công Chất trở thành một trong những doanh nhân thành đạt…
Ông Lê Đức Toàn làm đúng như ông nói trên diễn đàn hội nghị: “Hoạt động tình nghĩa, giúp nhau làm kinh tế xóa nghèo vừa là tình cảm, vừa là nghĩa vụ và vừa là trách nhiệm của bản thân, làm cho giá trị đồng tiền thêm giá trị hơn, ý nghĩa hơn và làm cho cuộc sống nhân văn hơn, tình người, tình đồng chí, đồng đội thêm gắn bó, gần gũi hơn”.
Ông vừa phát biểu dừng lời thì cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, như để gửi gắm lời cám ơn của mọi người tới ông - một doanh nhân - một CCB với tấm lòng nhân hậu, với tình cảm chân thành đã nâng đỡ nhiều người, nhiều số phận không may mắn đứng dậy được.

Nhà có ba Giám đốc thành đạt
Bà Vũ Thị Hà - Giám đốc Công ty TNHH phân bón Việt Hoa là người gây ấn tượng nhất trong số những người lên trao đổi kinh nghiệm làm giàu, xóa nghèo tại hội nghị.
Bà đã ngoài 60 tuổi, lại huyết áp cao. Tập tễnh bước thấp, bước cao lên bục phát biểu, bà thành thật nói, nay bà giàu có là do ngày xưa “hai cái nghèo” đè lên đời bà. Ý bà nói quê bà, xã Tam Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc đã nghèo, thì quê chồng - xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn còn nghèo hơn.
Hai vợ chồng đều là bộ đội, năm 1984 về phục viên, chồng đi làm nghề bốc thuốc nam gia truyền, còn bà thì đi học kế toán, ra trường làm ở HTX Liên hiệp thủ công nghiệp huyện Nho Quan. Nhưng HTX thất bát đến mức không có tiền trả lương. Bà xin về “một cục”, ôm con thơ dại, lang thang đi kiếm ăn thì thấy đống phế thải bã mía vụn của Nhà máy mía đường huyện, chất lên ngày một cao như núi, phải thuê người đổ đi.
“Tại sao không biến nó thành phân?”.
Thế là bà đến hỏi mua. Nhà máy cho. Bà không lấy, mà xin ký hợp đồng mua lâu dài, với giá 200 đồng/xe 10 tấn. Bà thuê xe chở lên Hòa Bình bán cho người trồng mía đỏ đặc sản làm phân phủ cây mía giống rất thích hợp, giá 1,2 triệu đồng/xe.
Làm ăn được, bà quyết định thành lập “Nhà máy sản xuất phân bón vi sinh Sơn Hà”. Thay vì chở cả xe rác phế thải đi bán bà đóng thành từng bao, dán nhãn mác “độc quyền” vào, bán lên 12 triệu đồng/xe 10 tấn.
Bà lại thật thà nói: “Khác mỗi cái vỏ bao mà giá tăng lên 12 lần”.
Nhưng ngay sau đó bà cho con trai lớn sang Trung Quốc học nghề sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ. Nhờ ký mua dây chuyền sản xuất của nhà máy mà “ông chủ” hướng dẫn hết bí quyết cho con trai bà.
Bà giàu lên từ đấy. Bây giờ mỗi năm nhà máy của bà sản xuất được từ 20 đến 30 nghìn tấn phân bón mang nhãn hiệu NPK, doanh thu hằng năm từ 70 đến 100 tỷ đồng, lãi từ 5 đến 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm từ 30 đến 40 lao động thường xuyên, lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Bà đang phát biểu thì bỗng dưng dừng lời, nói lời cảm ơn, khiến cả hội trường ngạc nhiên. Tìm hiểu tôi mới biết Ban Tổ chức quy định mỗi người không phát biểu quá 15 phút. Để không vi phạm, bà giao cho cô con gái ở bên ngoài theo dõi thấy hết thời gian, bấm chuông báo để bà dừng lời.
Đúng là tác phong của lính báo vụ.
Bà khoe với tôi là bà vừa mở thêm một nhà máy phân bón ở Đắk Lắk, giao cho anh con trai làm Giám đốc. Còn cô con gái làm Giám đốc nhà máy ngoài này.
Bà nói vui: “Cả ba Giám đốc đều thành đạt và tuyệt nhiên không ai tham nhũng đâu nhà báo ạ”.
Huy Thiêm