Từ kinh nghiệm thành công của CCB tham gia làm kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo trong mấy chục năm qua, Trung ương Hội CCB Việt Nam đã phát động Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" (2011-2016). Để phong trào triển khai đúng định hướng, đạt hiệu quả, Nghị quyết Đại hội Hội CCB Việt Nam lần thứ V đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức Hội và hội viên CCB là: "Động viên CCB nêu cao tinh thần tự lực tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp. Tham gia tích cực và có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế của địa phương và đất nước".
Thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Đại hội đề ra, Cơ quan Trung ương Hội thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn thực hiện kịp thời các chính sách của Chính phủ; hướng dẫn của các bộ, ngành trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội và các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo... Trong 5 năm qua, Trung ương Hội đã hai lần tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc và nhiều hội nghị, tập huấn, hội thảo về công tác kinh tế; qua đó giúp các cấp cán bộ Hội quán triệt các nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và các chương trình, kế hoạch công tác kinh tế của Trung ương Hội; tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo...
Giúp hội viên nhận thức đúng về CCB làm kinh tế, các cấp Tỉnh, Thành hội và cơ sở tập trung chỉ đạo hội viên quán triệt sâu sắc chủ trương chính sách của trên về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; từ đó phát huy mọi tiềm năng, tranh thủ mọi nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương; định hướng cho hội viên phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình, gia trại, trang trại, làng nghề, kinh tế rừng, kinh tế biển... Chỉ đạo hội viên làm kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh để giảm nghèo nhanh, bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp... Chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã do CCB làm chủ tranh thủ thời cơ và môi trường thuận lợi, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...; phát huy lợi thế của doanh nghiệp CCB, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển nhanh, bền vững; góp phần phát triển kinh tế địa phương và cả nước.
Từ nhận thức của cán bộ các cấp đến hội viên, từ nhận thức đến hành động đúng của mỗi CCB là nhân tố vô cùng quan trọng, tạo sự đồng thuận cao trong từng cấp Hội, trong toàn Hội và cũng chính là tiền đề định hướng cho Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
**
Tăng nhanh về số lượng, quy mô các loại hình làm kinh tế**
Chứng minh cho quy mô sâu rộng của Phong trào "CCB gúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi", là những con số rất có sức thuyết phục: Toàn Hội hiện có 6.741 doanh nghiệp do CCB làm chủ (tăng 1.302 doanh nghiệp so với năm 2011), 1.338 HTX do CCB làm chủ (tăng 66 HTX so với năm 2011), 5.594 tổ hợp tác (tăng 2.946 tổ hợp tác so với năm 2011) và 75.229 trang trại, gia trại (tăng 40.899 trang trại so với năm 2011). Không chỉ phát triển về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh, mà điều đáng phấn khởi, tự hào là trong bối cảnh những năm vừa qua do ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại, hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước hoặc phá sản, hoặc đình đốn, thì các doanh nghiệp do CCB làm chủ vẫn ổn định sản xuất, nhiều doanh nghiệp phát triển bền vững.
Những doanh nhân, những doanh nghiệp CCB tiên phong trên mặt trận chống đói nghèo, tụt hậu; những gương điển hình cho phong trào CCB làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo trong những năm qua có thể lên con số hàng nghìn. Tiêu biểu trong số đó là: Tổng công ty Golf Long Thành - Đồng Nai (do AHLĐ Lê Văn Kiểm làm Chủ tịch HĐQT), Tập đoàn may Việt Tiến (do CCB, AHLĐ Nguyễn Đình Trường làm Chủ tịch HĐQT), Tổng công ty may Tiên Sơn-Thanh Hóa (do CCB, thương binh Trịnh Xuân Lâm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc), Tổng công ty chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu Tân An-Long An (do CCB Nguyễn Đức Thanh làm Tổng giám đốc), Tổng công ty phân bón Bình Điền-Long An (do CCB Lê Quốc Phong làm Tổng giám đốc), Công ty xây dựng Việt Thành-Ninh Bình (do CCB Lê Đức Toàn làm Giám đốc), Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Hải Phương-Vũng Tàu (do CCB Nguyễn Đức Lạc làm Chủ tịch HĐQT); rồi Tổng công ty may Đồng Tiến-Đồng Nai (do CCB Vũ Ngọc Thuần làm Chủ tịch HĐQT), Công ty CP CCB Hải Dương (do CCB Hoàng Phi Thường làm Chủ tịch HĐQT), Quỹ tín dụng Vạn Trạch-Quảng Bình, Công ty Hoa Thường-Nghệ An, Công ty chăn nuôi Bắc Đẩu-Bắc Ninh, Tổng công ty Việt Thắng-Bắc Giang; ngược lên phía Tây có: Công ty Nam Tiến-Lào Cai, Công ty Trường Biện-Vĩnh Phúc... Mỗi doanh nghiệp, mỗi "ông chủ" khởi nghiệp trong những hoàn cảnh khác nhau, từ những xuất phát điểm khác nhau, nhưng điểm đến là hiêu quả sản xuất kinh doanh, không chỉ đưa doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mà còn là những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động nghĩa tình xã hội-từ thiện.
Sánh vai cùng các doanh nghiệp trong Phong trào “CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi” là hàng chục nghìn trang trại, gia trại và hộ gia đình CCB khắp mọi miền đất nước. Sản xuất kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, lại chịu ảnh hưởng trầm trọng của thời tiết, thiên tai..., nhưng các trang trại, gia trại, hộ gia đình CCB trong thời gian qua vẫn hoạt động có hiệu quả; không những tạo ra giá trị sản phẩm mỗi năm hàng trăm nghìn tỷ đồng, mà còn giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, miền núi... Tiêu biểu cho các chủ trang trại, gia trại là: CCB Trần Quốc Toàn (Châu Pha, Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu), CCB Nguyễn Hữu Vận (Phú Hòa, Phú Giáo, Bình Dương), CCB Nguyễn Văn Lộc (Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội), CCB Trịnh Duy Khuê (Thọ Bình, Triệu Sơn, Thanh Hóa)...
Sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu của phong trào trong những năm qua, ngoài vài trò chỉ đạo, tổ chức của Hội CCB các cấp còn có vai trò quan trọng của Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam. Ra đời từ giữa năm 2013, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam làm tốt vai trò kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp CCB, tạo một "sân chơi" lành mạnh, mà ở đó tình đồng chí đồng đội tỏa sáng, các doanh nhân CCB đã phối hợp giúp đỡ nhau về mọi mặt, sản xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời chung tay hoạt động xã hội từ thiện tạo ảnh hưởng lớn trong toàn xã hội. Nhiều chục tỷ đồng được các doanh nhân ủng hộ các Quỹ: “Vì chủ quyền biển đảo”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Nâng cánh ước mơ”... và hàng trăm căn nhà tình nghĩa được dành cho các CCB nghèo, các đối tượng chính sách...

Hiệu quả thiết thực, toàn diện

  • Trước tiên và rõ nét nhất là phong trào đã đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo và hạn chế tái nghèo: Nhờ nhận thức đúng, xác định rõ nhiệm vụ, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp, huy động được mọi nguồn lực để làm kinh tế phục vụ mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, nên 5 năm qua toàn Hội đã giảm được hơn 155.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ CCB nghèo giảm từ 7,23% (181.083 hộ năm 2011) xuống còn 3,99% theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều (năm 2016 còn 109.115 hộ nghèo). Hiện có 23 Tỉnh, Thành hội cơ bản không có hộ nghèo (tăng 3 tỉnh so với năm 2011); 118 Quận, Huyện hội thoát nghèo (đạt 16,7%); 2.948 Xã, Phường hội thoát nghèo (đạt 26,40%). Cùng với giảm hộ nghèo, số hộ CCB khá và giàu tăng lên, đạt 56,16% năm 2016 (tăng 3,88% so với năm 2011); đã xóa được 41.737 nhà tranh tre dột nát, nhà tạm cho gia đình CCB. Theo tiêu chí mới giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ CCB nghèo còn 3,99%, số cận nghèo còn 3,71%; số nhà dột nát, nhà tạm là 41.737 căn.
  • CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã góp phần tăng cường doàn kết, gắn bó đồng đội, thúc đẩy hoạt động tình nghĩa và xây dựng Hội trong sạch vững mạnh. Quá trình chung sức sản xuất làm kinh tế thể hiện sự đoàn kết gắn bó, tình đồng chí đồng đội, cùng vượt khó vươn lên chống đói nghèo; đồng thời chung tay hoạt động tình nghĩa, tương thân tương ái trong cộng đồng và trong tổ chức Hội. Sự hỗ trợ giúp nhau trong sản xuất làm kinh tế cũng như trong hoạt động tình nghĩa đã gắn kết các hội viên với nhau, hội viên với tổ chức Hội; thông qua đó, xây dựng Hội trong sạch vững mạnh; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Hội là tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.
  • CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước; tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hoạt động sản xuất kinh doanh của CCB luôn bám sát các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước và địa phương; chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật; giữ vững ổn định sản xuất và đời sống của CCB; đồng thời góp phần phát triển, mở rộng các ngành nghề sản xuất kinh doanh tại địa phương, tạo thêm việc làm, thu hút lao động...; phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn; chuyển đổi ngành nghề theo hướng CNH-HĐH...; góp phần phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương và cả nước.
    Phong trào đã góp phần tích cực và có hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 5 năm (2011-2016) CCB trong cả nước đã hiến 13,208 triệu mét vuông đất, đóng góp gần 880,450 tỷ đồng và hơn 4,5 triệu ngày công để làm mới, sửa chữa, nâng cấp 18.650km đường giao thông nông thôn; tham gia sửa chữa, làm mới 45.750m kênh mương nội đồng và 6.150 cầu cống các loại... Kết quả đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn thời đổi mới.
    Cùng với những kết quả có thể "cân đong đo đếm" được trên đây, hiệu quả không kém phần quan trọng là Phong trào đã khai thác được nhiều nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, nâng cao được năng lực, kinh nghiệm làm kinh tế cho CCB. Chính bài học "Trao cho CCB nghèo cần câu và chỉ cho chỗ để câu được cá" mới là nhân tố tạo sức sống bền lâu của Phong trào.
    Tổng kết 5 năm Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" (2011-2016), nhiều Tỉnh, Thành hội được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc. Đặc biệt, có 1 tập thể và 1 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng hai; 7 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 24 Bằng khen cho 24 cá nhân. Trung ương Hội tặng Bằng khen cho 307 cá nhân và 3 Bằng khen cho 3 tập thể.
    Thành quả và kinh nghiệm thực tiễn gặt hái được, cùng với những phần thưởng cao quý mà Chủ tịch nước, Thủ tướng, Trung ương Hội và lãnh đạo chính quyền các cấp khen tặng là tiền đề, động lực thúc đẩy Phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" phát triển mạnh mẽ, đạt được thành công lớn hơn nữa trong thời gian tới.
    Duy Nguyễn