Tháng trước, có việc ra Quảng Ninh. Xe chạy đến gần thị trấn Đông Triều thì trời tối, lại đổ mưa. Qua ánh đèn điện nhập nhòe, tôi thấy mấy khối thép hình parabôn dựng lên giữa đường, mà không đoán được người ta làm gì. Hai hôm nay mới biết đấy là cái cổng chào của Quảng Ninh. Một cái cổng "khủng"; nghe đâu chi phí ngót 200 tỷ đồng.
Cái cổng cần lắm chứ, như con người ta ở đời, phải có lời chào! Có tiền nhiều thì làm, làm to, nhất là tiền "xã hội hóa" (ngân sách của tỉnh nghe nói chỉ góp 10 tỷ đồng), lại càng vô tư... Ai có nói thì hẳn là kẻ bao đồng lắm nỗi!
Nhớ lại hồi chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đã có một chiến dịch rầm rộ làm "Khải Hoàn Môn" cho Thủ đô. Khi đó, người ta bàn nên làm mấy cổng. Năm cửa ô phải có năm cổng. Cổng hình trống đồng hay hình chim Lạc? Rồi đặt ở vị trí nào? Phía Bắc xuống thì đặt ở bùng binh Cầu Chui, phía Nam ra thì đặt ở nút giao đường Pháp Vân-đường vành đai ba... Rồi hết thảy cũng "gút bai" cùng 1000 năm. Cũng may ý tưởng đó chết yểu ngay, nếu không bây giờ chắc chẳng khác biểu tượng của “Công viên Hòa Bình” mạn Cổ Nhuế - một sản phẩm của 1.000 năm, hay lại phải bàn tính di dời các "Khải Hoàn Môn" ấy xuống Phú Xuyên, lên Sóc Sơn, Hòa Lạc... cho hợp với quy hoạch mới của Hà Nội.
Quay về với làng tôi, một làng "bãi ngang" xứ Nghệ. Bây giờ có khá đôi chút, chứ cách đây vài chục năm, dân đói quanh năm. Nhà ở đa phần tuềnh toàng. Nhưng thật lạ lùng là khi đó gần như nhà nào cũng xây một chiếc cổng rất chi hoành tráng, bôi kẻ màu mè. Hỏi ra mới biết "Các cụ nói đói đi qua, rách đi không qua" và "Con gà tức nhau tiếng gáy"... Chao ôi! Tư tưởng tiểu nông nó là máu thịt của dân nhà quê chúng tôi tự hàng nghìn năm. Mà đã là máu thịt, biết khi mô lơi lạt nhạt nhòa đi được?
Cứ nghĩ đến một ngày nhà nhà có cổng to; làng có cổng làng, xã có cổng xã, huyện có cổng huyện... Rồi đi khắp rẻo đất hình chữ S yêu kiều này, đến tỉnh nào cũng có "Cổng Tỉnh" quy mô, hoành tráng; mà một tỉnh phải mấy cổng vì có mấy "cửa ô"... là tôi nổi hết da gà!
DUY TƯỜNG