Thiếu tướng, GS.TS. TTND. Anh hùng LLVTND Phạm Gia Triệu

(Tiếp theo và hết)

...

Ngày 1-1-1967, cha tôi được Quốc hội và Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ông là bác sĩ quân y đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này. Trước đó, hai Anh hùng của Ngành Quân y được phong tặng ngày 7-5-1956, là đồng chí Đỗ Văn Châu - Trung đội phó bộ đội tải thương và Hà Nguyên Thị - Chiến sĩ quân y (là hộ lý, y tá). Năm 1968, cha tôi vào B5 phục vụ giữa lúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đang nóng bỏng. Ông chỉ đạo cấp cứu ngoại khoa chung và trực tiếp mổ các ca thương binh sọ não, cột sống.

Ở chiến trường ra, cha tôi mang theo một khẩu cạc-bin bán tự động, là chiến lợi phẩm thu được của lính Mỹ. Vật kỷ niệm về cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân là một minh chứng nơi trận tuyến, người bác sĩ quân y còn là những chiến sĩ anh hùng.

“Năm 1972, Mỹ lại ném bom miền Bắc. Trong một buổi mổ phiên, anh đang mổ một ca áp xe não cho một đại úy bạn Lào, máy bay Mỹ bắn phá quanh viện. Một quả rốc két bắn gần nhà mổ. Các mảnh vỡ trùm lên bàn mổ. Cả kíp mổ che lấy thương binh. Một mảnh văng vào đầu anh Triệu. Anh vẫn bình tĩnh cho kíp mổ sơ tán, một mình anh ở lại với thương binh. Buổi tối mổ lại, thương binh được cứu sống”. (B.s Trần Trọng Vực - “Người Thầy thuốc Nhân dân…”; sđd).

Năm 1975, cha tôi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa (nay là Bệnh viện quân y 175).

Tháng 8-1978, sau khi tốt nghiệp Đại học Quân y, tôi được điều về công tác tại Viện quân y 108 và được phân công ngay về Khoa B7 - Khoa Phẫu thuật Thần kinh. Lúc đó, thương binh bị vết thương sọ não, cột sống bởi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, sau khi xử trí bước đầu ở Bệnh viện 175, được chuyển ra Viện quân y 108 rất nhiều. Thương binh sau khi về Khoa B7 đều được xử trí cơ bản vết thương: lấy dị vật, mảnh đạn; xử trí áp xe não, vết thương cột sống… Trong hoàn cảnh đó, cha tôi đã dạy tôi tất cả.

Mỗi buổi sáng, sau khi nghe tin tức thời sự, uống ấm chè móc câu thơm nóng, ông dạy tôi khoảng 30 phút. Ông chọn tài liệu chuyên môn hoặc bằng tiếng Nga hoặc bằng tiếng Anh, dựa trên thực tế bệnh lý ở Khoa B7. Đọc, phát âm cho chuẩn; phân tích câu và dịch cho đúng; giải nghĩa cho phù hợp và áp dụng ngay trên ca mổ cụ thể để xem nên mổ, điều trị thế nào. Mỗi loại bệnh lý được học liên tục trong khoảng 10 ngày. Nhờ phương pháp học như vậy, nên tôi không chỉ hiểu chuyên môn mà khả năng ngoại ngữ, vốn từ chuyên ngành cũng tiến bộ rất nhiều. Khi có ca mổ, ông vào xem và chỉ bảo cho tôi từng li từng tí. Ông đứng trông cho tôi mổ. Mỗi ca mổ, đặc biệt các ca bệnh khó, phức tạp, ông gợi ý cho tôi suy nghĩ, tham khảo y văn, trao đổi, tìm phương án mổ tốt nhất. Ông đã dạy tôi cách tư duy rất thực tế, ngắn gọn, mạch lạc, nhưng cũng rất khách quan, khoa học.

Năm 1980, cha tôi chuyển qua công tác tại Hội đồng Y học quân sự Bộ Quốc phòng. Tuy không còn làm Viện phó Viện Quân y 108, nhưng là chuyên viên, ông vẫn công tác tại Bệnh viện. Hằng ngày, ông dự giao ban Bệnh viện, điểm bệnh Khoa Hồi sức, thông qua mổ và hội chẩn các ca bệnh nặng.

Năm 1986, tôi thi nghiên cứu sinh theo đường dân y và năm 1987, rất may mắn lại được sang học ở Viện Phẫu thuật Thần kinh mang tên nhà ngoại khoa Xô viết nổi tiếng Burdenko - nơi hơn 30 năm trước cha tôi đã học. Thật xúc động khi được gặp các bạn bè, đồng nghiệp của cha: Viện trưởng - Giáo sư Viện sĩ Konovalov, Phó viện trưởng - Giáo sư Serbinenko - người đi tiên phong trên thế giới trong can thiệp nội mạch thần kinh, Giáo sư Philatov - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật mạch máu não - thầy hướng dẫn tôi… Tất cả đều nhớ cha tôi - người bác sĩ Việt Nam học giỏi và đặc biệt rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh.

Cha tôi chơi tennis. Ngày đó, ở ta điều kiện chơi tennis còn khó khăn. Bởi vậy năm 1989, lần đầu tiên từ Liên Xô được về thăm nhà, thay vì mang nồi áp suất, bàn là..., tôi mang về một thùng bóng tennis cho cha.

Sau Tết Canh Ngọ - 1990, cha tôi cảm thấy mệt, mất ngủ và bị nấc kéo dài. Ông vào điều trị ở Khoa A1 - Khoa điều trị cán bộ cao cấp. Tuy nằm viện, nhưng ông vẫn tiếp tục công việc hằng ngày: Dự giao ban, điểm bệnh, hội chẩn… Sau khi chụp thận thuốc, ông bị hôn mê, phải chuyển qua Khoa B4 - Khoa Hồi sức. Khi tỉnh lại, ông được chuyển về Khoa A1; nhưng lúc này ông yếu nhiều, phải ngồi xe lăn. Mặc dù biết bệnh tình của bản thân rất nặng, nhưng ông vẫn động viên mẹ tôi và mấy anh em tôi đừng lo lắng, ông sẽ sớm trở về nhà. Nhưng ngày ấy đã không bao giờ đến! Ông lại đi vào hôn mê. Tôi về nước chăm sóc cha được hơn hai tháng thì cha tôi mất vào ngày 13-6-1990. Thùng bóng tennis, ông vẫn chưa dùng hết!

Sau ngày cha tôi đi xa, bạn bè, đồng nghiệp, học trò của cha tôi đã dành cho ông sự nể trọng và tình cảm sâu sắc: “Với anh Triệu, lúc khó khăn cái nhất quán ở Anh là bình tĩnh, ít nói, khẩn trương tìm cách khắc phục. Trong đời thường, có thể anh lạnh lùng, ít tình cảm. Ở lâu mới biết anh vui không quá mức, giận không quá đáng. Anh chị em sinh viên, y tá thấy ở Anh sự bao dung nhân hậu của người anh cả, người thầy đáng kính… Bình tĩnh, kiên cường, nghiêm túc, dũng cảm là những đức tính quý báu của Anh. Từ lúc bị bao vây ở rừng núi Đông Triều, với lá thư chiêu hồi vào lúc gay cấn nhất, sau đó là bom đạn ở B5 (1968) đến vụ nhà mổ Viện 108 bị bắn phá năm 1972, nói lên bản lĩnh của Anh, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng” (B.s Trần Trọng Vực - “Người Thầy thuốc Nhân dân…”, sđd).

Cha tôi sống giản dị, yêu thể thao. Ông đọc và suy ngẫm thơ trong Tuyển tập thơ Đường, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ… Ông cũng rất yêu tranh. Đến nay, gia đình tôi vẫn lưu giữ mấy bức họa cổ mà ông ngoại tôi và bạn bè tặng cha tôi. Ông trồng địa lan và phong lan. Ông trưởng Tràng - một người chơi lan nổi tiếng ở làng Ngọc Hà, Hà Nội, là y tá quân y nhưng là bạn, là thầy dạy cha tôi về lan.

Con trai tôi - cháu Phạm Ngọc Minh mới 6 tuổi đã thiếu vắng mẹ, tôi lại đi học Liên Xô; nên cha mẹ tôi chăm sóc và yêu thương cháu, để cháu khôn lớn, trưởng thành.

Khi mẹ tôi có tuổi, bệnh khớp nặng thêm, đi lại khó khăn, phải nằm tại gường; cha tôi tận tình chăm sóc mẹ tôi, nhất là đêm hôm, khi chén nước, lúc bô vịt… Nhưng không ngờ, mẹ tôi lại ngồi xe lăn tiễn cha tôi đi xa. Trong suốt cuộc đời, đằng sau cha tôi luôn có mẹ tôi - người phụ nữ cả cuộc đời hy sinh vì chồng vì con và gia đình.

Chính ở nơi đây - Bệnh viện De Lanessan hay Bệnh viện Đồn Thủy, 47 năm trước, cha tôi là sinh viên y khoa nội trú, nhưng của một nước thuộc địa. Thì nay, khi trút hơi thở cuối cùng, cũng trên mảnh đất ấy - Bệnh viên T.Ư Quân đội 108, ông là một Giáo sư, bác sĩ, một vị Tướng, một Anh hùng của nước Việt Nam độc lập.

Thiếu tướng, PGS. TS. TTND Phạm Hòa Bình - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108