CCB Phạm Hồng Phong (bên phải) tổ chức cho Chi hội CCB làm vệ sinh đường làng.

Trong chiến tranh, họ là những người xông pha nơi bão đạn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở thành thương binh, bệnh binh, có người bị nhiễm chất độc hoá học. Về với đời thường, dù sức khoẻ suy giảm đáng kể nhưng những CCB, thương binh ở tỉnh Tây Ninh luôn thể hiện bản lĩnh, tinh thần “tàn nhưng không phế”, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống và cống hiến hết mình chung tay phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với 70 tuổi đời, 47 năm tuổi Đảng, CCB Phạm Hồng Phong (SN 1952) ở xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành nhập ngũ tháng 3-1971. Tháng 7-1971, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 116, Sư đoàn 367, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tháng 4-1975, trong trận chiến đấu đánh vào Tổng kho Long Bình, ông bị thương với tỷ lệ thương thật 41% (hạng 3/4). Tháng 5.1977, ông chuyển ngành về công tác tại Ty thương nghiệp Tây Ninh, rồi Công ty Quản lý đường bộ 742. Năm 2013, nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương. Từ tham gia cấp uỷ của xã, đến năm 2016, ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội CCB, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Long Thành Nam.

Những năm qua, CCB thương binh Phạm Hồng Phong luôn là tấm gương thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách; luôn quan tâm giúp đỡ đồng đội và những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Trích từ đồng lương hưu của mình, hằng năm ông đóng góp với với địa phương từ 15 đến 20 phần quà, mỗi phần trị giá 250.000 đồng. Mới đây, hưởng ứng “Tuần lễ tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, ông tham gia gửi tiết kiệm 7 triệu đồng. Ông tham mưu với lãnh đạo xã và BCH Hội xây dựng kế hoạch công tác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nổi bật là xây dựng mô hình điểm về “Tuyến đường CCB quản lý xanh, sạch, đẹp và an toàn giao thông”; vận động hội viên đóng góp mua và trồng hai bên tuyến đường 300 cây hoàng yến và lắp đặt toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng cho tuyến đường dài 2km. Là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, ông Phong vận động đồng chí, đồng đội ủng hộ xây 5 căn “Nhà tình nghĩa” và nhiều phần quà tặng hội viên khó khăn. Ông Phong tâm sự: “Mình may mắn hơn những đồng đội khác ra đi nhưng không trở về. Trong cuộc sống đời thường phải cố gắng nỗ lực vươn lên trong công tác để chiến thắng đói nghèo và làm  gương cho con cháu noi theo”.

Còn với CCB thương binh Phan Huy Hoàn, 74 tuổi ở ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành tham gia LLVT năm 1971, từng chiến đấu nhiều chiến trường từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ. Ông bị thương nặng trong một trận chiến đấu bảo vệ Đồn Biên phòng Phước Tân, huyện Châu Thành. Đến năm 1992, ông Hoàn nghỉ hưu với tỷ lệ thương tật 81%. Cơ thể không còn khoẻ mạnh, nhưng ông vẫn xung phong được tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông được phân công làm Bí thư Chi bộ ấp Tam Hạp, xã Thái Bình và làm Chi hội trưởng CCB của ấp. Khi vết thương tái phát, ông phải nghỉ để đi điều trị. Năm 2003, khi sức khoẻ ổn định, ông lại tiếp tục làm công tác xã hội với vị trí Chủ nhiệm CLB dưỡng sinh của huyện, đồng thời làm Tổ trưởng tổ dân cư tự quản, Chi hội trưởng Người cao tuổi và Tổ trưởng tổ tuyên truyền pháp luật... việc nào CCB, thương binh Phan Huy Hoàn cũng làm tốt nên được bà con yêu mến, cảm phục.

Đặc biệt, trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới, ông vận động 25 hộ dân, mỗi hộ hiến 2m (chiều sâu) đất để mở đường giao thông. Là thành viên của tổ hoà giải, ông Hoàn tham gia nhiều vụ hoà giải thành, đạt trên 85%. Là chủ nhiệm CLB dưỡng sinh của huyện, từ 10 thành viên, ông vận động tập hợp thêm 25 thành viên mới, nâng tổng số hội viên lên 35 người. Câu lạc bộ dưỡng sinh huyện Châu Thành do ông làm Chủ nhiệm đã dành 15 huy chương các cấp. Nổi bật là 2 Cúp vàng  và 1 giải Nhất toàn đoàn khi tham gia giải tại tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và tại T.P Hồ Chí Minh năm 2019 do Liên đoàn Thể dục Dưỡng sinh Việt Nam tổ chức.

Ở khu phố 4, phường 1, T.P Tây Ninh có CCB, thương binh Nguyễn Xuân Bích, sinh năm 1957 đã có hơn 40 năm tham gia công tác xã hội. Từ Phó ban ấp, Bí thư chi đoàn, đến nay là Phó bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 4. Thời gian đầu làm Trưởng khu phố, ông gặp không ít khó khăn, do địa bàn gần với chợ và Bến xe Tây Ninh nên tình hình ANTT rất phức tạp. Trưởng khu Nguyễn XuânBích tích cực vận động người dân chấp hành pháp luật, tích cực tham gia tố giác tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường. Đến nay, tình hình ANTT ở khu phố đã ổn định, không còn các điểm nóng về tội phạm.

Các CCB Phong, Hoàn, Bích là 3 trong số hàng trăm thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh Tây Ninhđang ngày đêm cống hiến sức lực, trí tuệ của mình làm giàu cho quê hương. Những đóng góp của các ông và những thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thật đáng quý và trân trọng.

Thanh Hà