Dưa leo baby trồng trong nhà kính của một thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất, HTX Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đạt kết quả tích cực trong hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.

Tháng 11-2017, HTX Thương Phú được thành lập với 17 thành viên là hội viên CCB trong tỉnh, trong đó, hội viên CCB xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đông nhất. CCB Phạm Ngọc Tổng - Giám đốc HTX cho biết: “Phương thức hoạt động của HTX là dịch vụ trồng trọt, cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ sau thu hoạch và các hoạt động có liên quan. Đặc biệt, về trồng trọt, các thành viên của HTX hoạt động theo chuỗi sản xuất, trong đó, người chuyên trồng su hào, người trồng dưa leo, người chuyên khoai lang... tất cả đều được sản xuất theo hướng VietGAP. HTX đứng ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu là xuất cho các siêu thị... Trước khi quyết định thành lập HTX, chúng tôi đã đi tham quan một số mô hình HTX và thấy hoạt động có hiệu quả. Sau khi quyết định thành lập, chúng tôi đã vận động hội viên CCB có đất, chịu khó học hỏi và làm ăn cùng tham gia”.

Từ khi HTX đi vào hoạt động giúp hội viên yên tâm và tin tưởng vào đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng. CCB Nguyễn Đình Tuấn, phường 6, T.P Đà Lạt cho biết: “Lúc đầu khi được vận động tham gia HTX, thấy ý tưởng của các thành viên sáng lập đưa ra hay nhưng nói thật, lúc đó, tôi vẫn còn khá băn khoăn. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định tham gia. Nhưng giờ tôi không hối hận khi tham gia HTX. Sản phẩm sau khi thu hoạch có đầu ra ổn định và giá cao hơn thị trường. Các hội viên không ngừng học hỏi để sản xuất được rau sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu”.

Còn CCB Bùi Thanh Hải - Phó giám đốc HTX cho biết: “Với tâm niệm “cởi áo lính phải biết làm kinh tế”, hầu hết chúng tôi đều hăng hái tham gia HTX. Tôi được giao phụ trách chung các hoạt động như ký hợp đồng, khảo sát thuê đất, tìm hiểu thị trường... Vào HTX, mỗi người được giao một mảng và ai cũng cố gắng làm hết sức mình vì lợi ích chung của HTX”.

Nói về hiệu quả của HTX, CCB Phạm Ngọc Tổng cho biết: “Trung bình một năm, HTX thu hoạch hơn 300 tấn cà chua; 700 tấn rau, củ, quả và các sản phẩm này đều nhập cho siêu thị. Ngoài ra, HTX còn sản xuất giống các loại cung cấp cho các hộ gia đình và hoa lay ơn phục vụ thị trường trong các dịp lễ, tết. HTX tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 người, chủ yếu là con em hội viên CCB, với thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng”.

Đánh giá về hoạt động của HTX, ông Nguyễn Quang Phúc - Chủ tịch Hội CCB xã Hiệp An nói: “Sau một thời gian đi vào hoạt động, HTX kiểu mới đã trở thành nền tảng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, nông dân tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản địa phương. Mô hình này cũng đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh liên doanh, liên kết “4 nhà”, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nông dân, đặc biệt là con em của hội viên CCB và CQN khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Có những HTX hoạt động như HTX Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú sẽ giúp địa phương dần tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, theo hướng hiện đại”.

Tuy nhiên, trong đợt dịch lần thứ 4 này, HTX cũng bị ảnh hưởng, nhiều sản phẩm của hội viên gặp khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ. HTX luôn động viên hội viên không nản chí, quyết tâm thực hiện phòng, chống dịch để sớm thông suốt quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Thi Vũ