Đi từ máy thái chuối, tẻ ngô…
Đúng dịp kỷ niệm 43 năm Cách mạng Tháng Tám, ngày 19-8-1978, Lê Thị Lan - cô thôn nữ đất Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An xung phong nhập ngũ. Sau 3 năm làm lính thông tin Sư đoàn 472, Bộ đội Trường Sơn, tháng 10-1981, cô xuất ngũ, trở về lập gia đình và xây dựng quê hương. Kỷ niệm trẻ trung, mộng mơ một thời gửi lại Trường Sơn để dồn sức cho cuộc sống đời thường với bao khó khăn thách đố.
Chưa qua tuổi đầy khát vọng, mộng mơ, nên đối mặt với cơm áo, gạo tiền quả là thách thức không nhỏ đối với CCB Lê Thị Lan. Nhưng ý chí, nghị lực được trui rèn những năm trong quân ngũ đã giúp nữ CCB sớm nhìn ra con đường lập thân, lập nghiệp của mình, đó là làm kinh tế từ chính quê hương Quỳnh Lưu - quê hương của những con người có quyết tâm sắt đá “mo cơm với tấm lòng cộng sản xây dựng CNXH”, “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn”.
Lê Thị Lan tâm sự: Người ta “làm ăn lớn”, còn em thì “biết người biết ta”, “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, nên quyết định tổ chức một cơ sở cơ khí nhỏ, chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp và nông dân. Ý tưởng của cô được chồng ủng hộ. Từ đó, cơ sở “Cơ khí Hoàn Cầu” của nữ CCB Trường Sơn gắn với các sản phẩm: Bộ kiềng tiết kiệm chất đốt, máy băm rau, máy thái chuối, máy tẻ ngô, máy dập gạch không nung… Những sản phẩm rất gần gũi với đời sống nông thôn; giúp người nghèo có công cụ sản xuất phù hợp, dễ vận hành, rẻ tiền nhưng hiệu quả, là cơ sở để Cơ khí Hoàn Cầu có được thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Từ chủ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, với 4-5 công nhân, với vốn liếng tích cóp được cả về tài chính và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, năm 2006, Lê Thị Lan quyết định thành lập Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu. Năm 2016, Công ty nâng cấp và xây dựng nhà máy cơ khí trên diện tích 5.000m2, trang bị nhiều máy móc hiện đại. Đội ngũ cán bộ, công nhân lên tới 60 người, một phần trong số đó là CCB, CQN và con em của họ. Công ty sản xuất nhiều sản phẩm cơ khí có giá trị; năng lực tài chính được nâng lên; có thêm sản phẩm mới, năng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Ổn định sản xuất, Công ty “Hồ Hoàn Cầu” bảo đảm vệc làm, thu nhập cho người lao động bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách đúng quy định. Riêng năm 2020, Công ty nộp ngân sách 3 tỷ đồng; được nhận Bằng khen của UBND huyện Quỳnh Lưu và Cục Thuế tỉnh Nghệ An.
Đến dây chuyền máy đúc gạch không nung, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng sáng lập Công ty Hồ Hoàn Cầu, cùng với thường xuyên chỉ đạo nhân viên thuộc quyền xử lý nghiệp vụ tài chính, kiểm soát tài chính, Lê Thị Lan rất chú trọng chỉ đạo nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; đặc biệt là từ thực tiễn, Lê Thị Lan và cộng sự nghiên cứu sản xuất những sản phẩm đáp ứng yêu cầu cuộc sống ngày càng cao. Trong hàng loạt sản phẩm của Công ty, chị đặc biệt tâm đắc bộ dây chuyền máy đúc gạch không nung.
Sinh trưởng và lập nghiệp ở vùng nông thôn, chứng kiến từ bao đời người dân quê xây dựng nhà cửa bằng gạch nung. Gạch nung là một trong những thủ phạm tiêu thụ nhiều chất đốt; đặc biệt khói lò gạch gây ô nhiễm môi trường… Để hạn chế tình trạng đó, người dân nhiều vùng đã nghĩ đến gạch không nung (sản xuất từ xi măng và một vài nguyên liệu khác) thay cho gạch nung. Để phục vụ sản xuất gạch không nung, năm 2002, Công ty Hồ Hoàn Cầu đã nghiên cứu sản xuất được máy dập cơ bằng tay, có công suất 2.000 viên/ca. Qua nhiều lần nghiên cứu cải tiến, dưới sự chỉ đạo của Lê Thị Lan, đến nay Hồ Hoàn Cầu đã cho ra đời bộ máy đúc gạch không nung tự động, năng suất từ 10.000 đến 12.000 viên/ca.
Máy đúc gạch không nung của Hồ Hoàn Cầu được khách hàng đánh giá cao, từ đó có sức lan tỏa mạnh, mang lại lợi ích không nhỏ cho Công ty và khách hàng sử dụng; giúp người nghèo có công cụ sản xuất phù hợp; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên cả nước (mỗi bộ máy dập cần tối thiểu ba lao động). Mỗi năm, Công ty Hồ Hoàn Cầu xuất bán 1.500-2.000 bộ. Gạch không nung là nguyên liệu thay thế gạch nung từ đất sét, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khói nung gạch; đồng thời thiết kiệm chất đốt…
Với sản phẩm chủ đạo là máy đúc gạch không nung, năm 2017, Công ty Hồ Hoàn Cầu được Sở Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An chứng nhận là Doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đặc biệt, năm 2019, Công ty nhận được giấy chứng nhận hoàn thành Dự án chống biến đổi khí hậu toàn cầu do Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Úc, Bộ Khoa học Công nghệ và Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) tổ chức và tài trợ. Hồ Hoàn Cầu là doanh nghiệp chế tạo máy duy nhất của Việt Nam vinh dự nhận Dự án tài trợ này.
Là hội viên CCB và Ủy viên BCH Hội Truyền thống Trường Sơn, Lê Thị Lan luôn gương mẫu trong công tác Hội, tham gia có trách nhiệm các chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi cơ nhỡ, người già neo đơn… Hoạt động thiết thực giúp giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là cho hội viên vay vốn để sản xuất kinh doanh, không lấy lãi. Tham gia chương trình xây dưng Nông thôn mới, năm 2016, Công ty Hồ Hoàn Cầu đã đầu tư 500 triệu đồng làm tuyến đường bê tông của xã Quỳnh Văn, được chính quyền xã tặng “Bảng vàng ghi công”…
Đại tá Trần Văn Tuân - nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Nghệ An đã bày tỏ sự mến mộ, khi được hỏi về chủ nhân của Công ty Hồ Hoàn Cầu: “Tôi luôn mến phục Lê Thị Lan - nữ CCB Trường Sơn thật sự là một chiến binh trên mặt trận làm kinh tế, chống đói nghèo; sâu sát nắm bắt yêu cầu thực tiễn, năng động sáng tạo, nghiên cứu sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị, điển hình là dây chuyền máy đúc gạch không nung đã làm nên thương hiệu của Hồ Hoàn Cầu. Cô cũng là doanh nhân CCB giàu lòng nhân ái, luôn biết sẻ chia…”.
Với bề dày thành tích trong sản xuất kinh doanh, giúp nhau giảm nghèo và hoạt động xã hội, CCB Lê Thị Lan vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, danh hiệu cao quý mà Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh và nhiều cơ quan, tổ chức khen tặng.
Việt Hưng