Ti vi, điện thoại thông minh luôn tích hợp sẵn các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo,… trong khi cả nước có khoảng 65 triệu thuê bao đang sử dụng mạng xã hội, nên các nội dung trên mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tư tưởng của mọi người nhất là thế hệ trẻ. Nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, có tới 70% thông tin trên mạng xã hội là thông tin giả. Nếu mất cảnh giác sẽ hiểu sai lệch bản chất sự việc dẫn đến chi phối nhận thức, tư tưởng hành động của mọi người.

Với sự hỗ trợ của các phần mềm tiện ích về phim ảnh, các đối tượng xấu thường lồng ghép các video đã phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, các đài truyền hình địa phương, tinh vi cắt ghép Logo của các đài truyền hình để đưa tin về các cơ sở bán thuốc đông y, thuốc gia truyền, cơ sở khám chữa bệnh… với cả nội dung phỏng vấn khiến người xem lầm tưởng đó là chương trình của Đài truyền hình Việt Nam, hoặc là của Chương trình Quân y và đời sống của kênh Quốc phòng Việt Nam. Chưa kể có những giang hồ mạng còn cắt gép hình ảnh cá nhân vào bản tin của Đài truyền hình Việt Nam về tham gia cứu trợ lũ lụt miền Trung... Đó là những tin giả được đưa lên nhằm trục lợi cá nhân.

Nguy hiểm hơn là loại tin giả được đưa lên nhằm mục đích chính trị, nhiều bản tin trên mạng xã hội còn sử dụng cả phát thanh viên mặc quân phục cắt gép logo của Truyền hình An ninh và Quốc phòng Việt Nam để đưa tin xuyên tạc về tình hình Biển Đông, về an ninh chính trị trong nước và thế giới, nhiều trang tin còn cắt ghép hình ảnh người này với người kia, cắt ghép ảnh chụp những ngôi biệt thự, những siêu xe sang trọng và lấy đó làm “chứng cứ” quy chụp bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Với tính chất ngụy tạo trên, tin giả đã và đang làm cho quần chúng nhân dân giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ. Tinh vi hơn là nhiều trang tin giả, giả mạo Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin của các cơ quan, ban, ngành từ cấp T.Ư đến địa phương. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng bị mạo danh đặt tên là các trang tin tổng hợp trên mạng xã hội. Trên trang giả mạo đó, đối tượng xấu đưa thông tin chính thống, đồng thời đưa cả thông tin do chính các đối tượng này “xào nấu” tạo ra không đúng sự thật, từ đó kết nối bạn bè, bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội kèm theo những lời bình luận thô tục, phản cảm, gây bức xúc trong cộng đồng.

Đặc biệt gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tiện ích của mạng xã hội tung lên tràn ngập thông tin giả, tin đồn, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Chúng soi mói, rình rập đời tư cán bộ lãnh đạo, ra sức bịa đặt về những hạn chế, yếu kém của Đảng và Nhà nước nhằm phủ nhận những thành tựu đã đạt được. Cùng với đó, chúng còn sử dụng chiêu trò đưa ra những “dẫn chứng” liên quan đến một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật và việc xử lý của chúng ta trong thời gian gần đây, để “phán” rằng đó là “thanh trừng nội bộ”, “phe nhóm chống đối nhau” trong các tổ chức Đảng, trong Ban Chấp hành T.Ư…

Trước thực tế mạng xã hội tràn ngập thông tin giả, mỗi cư dân mạng, nhất là CCB phải thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội. Cẩn trọng phán xét trước những tiêu đề, nội dung câu chuyện trước khi được bình luận, chia sẻ. Nhận diện, phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả; bình tĩnh, thẩm định, đánh giá thông tin, theo những thông tin chính thống được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của Đảng, Nhà nước và các địa phương.

Trung Dũng