Lợi dụng sự cả tin của người dân vùng sâu, vùng xa, thời gian qua nhiều đối tượng xấu đã thực hiện trót lọt những vụ lừa đảo hàng tỷ đồng của người dân.

Điển hình, tại Đăk Lăk, cơ quan chức năng đang gấp rút điều tra làm rõ vụ việc đối tượng Trần Thị Vân (trú xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) vay tiền của người dân, hứa trả lãi suất cao (3.000 - 8.000 đồng/triệu đồng/ngày), rồi ôm tiền bỏ trốn. Thường thì lần đầu, Vân vay số tiền chưa nhiều để đáo hạn ngân hàng và trả lãi suất, sau đó, vay tiếp với giá trị tăng dần lên.

Thống kê sơ bộ từ các bị hại đã trình báo chính quyền, số tiền do Trần Thị Vân chiếm đoạt lên đến hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, người bị đối tượng Vân vay nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Bến, xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar, với số tiền trên 22 tỷ đồng. Theo đại diện UBND xã Cư Suê, địa phương đã cho công an xã kiểm tra nơi ở và xác định Vân vắng mặt khỏi địa phương.

Cũng tại Đăk Lăk, TAND tỉnh này vừa tổ chức phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử bị cáo Y Tuyến Ksơr, trú TP. Buôn Ma Thuột, nguyên Thượng tá, nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an tỉnh Đăk Lăk) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, Y Tuyến Ksơr khoe với mọi người rằng có quen biết với lãnh đạo Bộ Công an, nên có khả năng xin cho những người có nhu cầu vào học tại các trường của ngành công an, vào công tác Ngành Công an, hoặc xin chuyển công tác từ đơn vị này qua đơn vị khác. Với chiêu trò đó, Y Tuyến Ksơr đã lừa đảo hàng chục bị hại ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để chiếm đoạt số tiền hơn 24 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, Y Tuyến Ksơr dùng trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân. Tại thời điểm điều tra, các hồ sơ liên quan đến xin việc, xin đi học đều đã bị đối tượng này tiêu hủy.

Theo ông Phan T., trú huyện Cư M’gar – một trong những bị hại, vào năm 2015, một người tự giới thiệu “công an mật” có quan hệ quen biết với Y Tuyến Ksơr nói có thể lo cho con ông T. vào lực lượng Công an. Tin tưởng, gia đình thế chấp giấy tờ nhà đất để vay ngân hàng 550 triệu đồng đưa cho người này để lo cho con vào ngành công an. Sau khi đưa tiền một thời gian lâu không thấy kết quả, biết bị lừa nên ông T. làm đơn tố cáo hành vi phạm pháp này với cơ quan chức năng địa phương.

Kết thúc phiên tòa, bị cáo Y Tuyến Ksơr phải nhận mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo các luật sư, đây là bài học đắt giá cho những người chạy việc, chạy trường; cả bị hại và bị cáo. Những nạn nhân bị lừa đảo, xét dưới một góc độ khác, chính là người tiếp tay khiến loại phạm tội này có diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng.

Lòng tham hoặc sự thiếu cảnh giác của người bị hại vô hình trung tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi gian dối. Do đó, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao kiến thức về pháp luật để tránh những trường hợp đáng tiếc “tiền mất tật mang”.

Chí Thiện