Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết. Riêng Hà Nội ghi nhận gần 3.000 ca, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Những tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh, trung bình ghi nhận gần 500trường hợp. Độ tuổi các ca mắc rất đa dạng, trong đó có nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết 2 lần.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Bệnh sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn sốt: Trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc, trẻ lớn hơn thì đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (những chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào khoảng ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh. Trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu tay chân, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.
Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…
Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn.
Chăm sóc và theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà
Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi và tư vấn điều trị, phòng bệnh. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4-6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép. Những việc tuyệt đối không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết: Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu; tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt, vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do virus Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không hiệu quả, thậm chí có thể làm nặng thêm tình trạng gan, thận. Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Thành An